Theo kế hoạch, công tác xét nghiệm sẽ được thực hiện với bộ dụng cụ kiểm tra virus do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ phát triển. Hiện Mỹ đã ghi nhận 11 trường hợp dương tính với 2019-nCoV kể từ ngày 3/2 vừa qua. Giấy phép của FDA được kỳ vọng có thể giúp đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm virus corona trong cộng đồng người dân sống tại Mỹ.
Trước đây, các bang tại Mỹ phải gửi mẫu xét nghiệm từng trường hợp đến CDC. Tuy nhiên, sau khi FDA cấp phép, các phòng thí nghiệm y tế công cộng đạt tiêu chuẩn do CDC chỉ định có thể đặt mua bộ dụng cụ xét nghiệm của CDC và tự tiến hành công tác xét nghiệm tại cơ sở.
CDC cũng cho biết sẵn sàng chia sẻ bộ dụng cụ kiểm tra virus này với các quốc gia hiện chưa có khả năng tự xét nghiệm các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới.
Trong khi đó, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đang đẩy nhanh công tác nghiên cứu phát triển vaccine và phương pháp điều trị đối với bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới. Thông báo ngày 4/2 của cơ quan này nêu rõ: "EMA sẵn sàng hỗ trợ các nhà phát triển dược phẩm với tất cả các công cụ lập quy hiện có để xúc tiến và đẩy nhanh nỗ lực phát triển các biện pháp hiệu quả nhằm chống lại và ngăn chặn sự lây lan của virus này".
Công ty dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh cho biết công ty này đang hợp tác với Liên minh Sáng kiến phòng chống dịch bệnh (CEPI) để nghiên cứu phát triển vaccine phòng virus 2019-nCoV.
Trong khi đó, Colombia là quốc gia đầu tiên ở Nam Mỹ có thể tự làm các xét nghiệm chẩn đoán virus corona. Hiện Colombia và các quốc gia Mỹ Latinh nói chung chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus này, mặc dù vậy các cơ quan y tế Colombia đã tiến hành xét nghiệm đối với 50 khách du lịch trong 5 ngày qua. Việc có thể tự thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán đồng nghĩa với việc chính quyền Bogota sẽ không cần phải gửi các mẫu xét nghiệm sang Mỹ rồi chờ đợi kết quả như trước đây.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 4/2, Bộ trưởng Y tế các nước Pháp, Đức cho biết chính phủ các nước châu Âu có thể cân nhắc đưa ra một lệnh cấm nhập cảnh đối với những du khách nước ngoài đã đến Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Trong cuộc gặp tại thủ đô Paris, Bộ trưởng Y tế Pháp Agnes Buzyn và người đồng cấp Đức Jens Spahn đã đề cập khả năng châu Âu có thể cân nhắc một lệnh cấm tương tự lệnh cấm mà Mỹ đã áp đặt. Ông Spahn cho rằng có thể áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại hoặc ít nhất tăng cường công tác kiểm dịch ở biên giới. Về phần mình, Bộ trưởng Y tế Pháp Buzyn nhất trí rằng đây là một vấn đề cần cân nhắc.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona khởi phát tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc hồi tháng 12/2019, đến nay đã lây lan tổng cộng 28 nước và vùng lãnh thổ. Mỹ đã xác nhận có 11 ca nhiễm bệnh tại bang California.