Theo trang Bloomberg, châu Phi là lục địa có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất trên thế giới. Khu vực này cũng là nơi xuất hiện của một số biến thể virus SARS-CoV-2 đầu tiên, như đột biến Beta được phát hiện ở Nam Phi, Eta được phát hiện ở Nigeria và gần đây nhất là C.1.2 cũng được phát hiện ở Nam Phi.
Giờ đây, các nhà khoa học cho biết họ đã tìm ra nguyên nhân khiến châu Phi trở thành nơi xuất hiện nhiều biến thể COVID-19 mới. Lục địa này cũng là nơi có nhiều người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch nhất, trong đó có HIV/AIDS.
Nghiên cứu về một phụ nữ dương tính với HIV ở Nam Phi cho thấy virus SARS-CoV-2 đã tồn tại trong cơ thể bệnh nhân 216 ngày và đột biến đáng kể. Tại một hội nghị về miễn dịch học, Tulio de Oliveira, Giáo sư điều hành các tổ chức giải trình tự gien tại 2 trường đại học ở Nam Phi, cho biết số đột biến lên tới 30 lần. Đây là một điều đáng quan tâm.
Nam Phi là nơi có số lượng người mắc HIV lớn nhất thế giới, ước tính có khoảng 8,2 triệu người bị nhiễm virus có nguy cơ mắc bệnh suy giảm miễn dịch. Trong số này, vẫn còn nhiều người không sử dụng thuốc kháng Retrovirus để kiểm soát mầm bệnh. Các quốc gia lân cận như Botswana, Zimbabwe và Eswatini cũng có tỉ lệ lây nhiễm HIV rất cao.
Trên khắp lục địa, người dân phải hứng chịu gánh nặng bệnh tật cao hơn so với các quốc gia ở hầu hết các nơi trên thế giới. Dịch bệnh tràn lan và tình trạng nghèo đói cùng cực cũng khiến hàng triệu người có tình trạng sức khỏe yếu kém và ít có khả năng chống lại bệnh truyền nhiễm. Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 tồn tại trong vật chủ càng lâu thì nó càng có khả năng đột biến.
“Có bằng chứng cho thấy việc mắc bệnh kéo dài ở những người bị suy giảm miễn dịch là một cơ chế cho sự xuất hiện của biến chủng SARS‑CoV‑2”, bà Tulio de Oliveira cho biết.
Đây được cho là động lực để tăng tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 ở một lục địa mới có một phần nhỏ trong tổng số 1,2 tỉ dân được tiêm chủng đầy đủ. Các chuyên gia cho biết tỉ lệ tiêm chủng cao hơn có thể làm giảm sự lây lan của dịch bệnh trong hầu hết các trường hợp, cũng như mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh. Điều đó sẽ hạn chế sự hình thành các biến chủng mới.
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi Matshidiso Moeti ngày 16/9 cảnh báo châu Phi có nguy cơ trở thành nơi sản sinh các biến chủng kháng vaccine COVID-19 do thiếu hụt vaccine và tỉ lệ tiêm chủng thấp.
“Sự bất bình đẳng đáng lo ngại và sự chậm trễ nghiêm trọng trong việc giao các lô vaccine có nguy cơ biến các khu vực ở châu Phi thành nơi sinh sôi của các biến chủng kháng vaccine”, quan chức WHO cảnh báo, đồng thời cho rằng tình trạng này có thể đưa cả thế giới trở lại điểm xuất phát.
Tuy nhiên, theo Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), mặc dù số ca lây nhiễm và tử vong do COVID-19 tại các nước châu Phi đang tăng mạnh, nhiều hãng dược phẩm lớn đã ưu tiên bán hơn 90% số vaccine của mình cho các nước giàu, với mức giá cao hơn 24 lần so với giá thực tế.
Trước đó, WHO đã đặt mục tiêu đảm bảo đến cuối năm 2021 sẽ có 40% dân số tại từng nước trên thế giới được tiêm vaccine đủ liều và đến giữa năm 2022 sẽ có 70% dân số thế giới hoàn thành tiêm chủng. Tuy nhiên, với việc phân bổ vaccine hiện nay, châu Phi khó có thể đạt được mục tiêu này. Ông John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, cho biết chưa tới 3,5% số người trong diện tiêm chủng tại châu lục này được tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19.
Theo thống kê gần đây, chỉ có 9 liều vaccine được tiêm trên 100 người tại châu Phi. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 104 liều/100 người tại châu Âu. Châu Á, Mỹ Latinh và Caribe và Trung Đông lần lượt có 85, 84 và 54 liều/100 dân.