Đại dịch COVID-19 đã gây ra những đứt gãy trong các mối quan hệ toàn cầu nhưng 54 quốc gia của châu Phi lại đoàn kết trong một liên minh phòng chống dịch được đánh giá là phản ứng tốt hơn cả một số quốc gia giàu có.
Tại một buổi thuyết trình với các đồng nghiệp trong tháng 9 này, ông John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) đã trình chiếu những hình ảnh từng làm nhói lòng về châu Phi, trong đó có trang bìa một tạp chí chạy dòng chữ “Lục địa vô vọng”. Sau đó, ông dẫn lời Tổng thống đầu tiên của Ghana, Kwame Nkrumah: “Rõ ràng phải tìm ra một giải pháp châu Phi cho các vấn đề của chúng ta, và điều này chỉ có thể có được trong sự thống nhất của châu Phi”.
Từng là một cựu quan chức CDC Mỹ, ông Nkengasong đã so sánh mô hình hiện nay của châu Phi với cơ quan cũ và đau lòng khi chứng kiến những nỗ lực chật vật của CDC Mỹ. Trong khi Mỹ đã ghi nhận trên 200.000 ca tử vong do COVID-19 và thế giới ghi nhận gần 1 triệu ca tử vong thì làn sóng dịch ở châu Phi đang chững lại.
Cả châu lục này cho tới nay ghi nhận 1,4 triệu ca mắc COVID-19, một con số cách xa so với những dự báo khủng khiếp từng được đưa ra. Các xét nghiệm kháng thể dự kiến sẽ nâng con số ca nhiễm virus cao hơn, nhưng hầu hết các trường hợp mắc đều nhẹ, không có triệu chứng. Chỉ có trên 34.000 ca tử vong được xác nhận trên tổng dân số 1,3 tỉ người của châu lục.
Bà Gayle Smith, một cựu lãnh đạo của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) nhận xét: “Châu Phi đang làm được rất nhiều điều mà phần còn lại của thế giới không làm được”. Bà Smith đã từng bất ngờ chứng kiến Washington đi sau thay vì dẫn đầu thế giới trong nỗ lực chống dịch. Trong khi đó, châu Phi “là một câu chuyện tuyệt vời cần được kể lại”.
Ông Nkengasong, người được Quỹ Gates mới đây trao giải Global Goalkeeper Award với tư cách là “người ủng hộ không ngừng cho hợp tác toàn cầu”, là người có thể kể câu chuyện rõ nét nhất về cuộc chiến chống dịch ở lục địa đen. Nhà virus học sinh ra tại Cameroon này khẳng định châu Phi có thể chống chọi được với COVID-19 nếu có cơ hội chiến đấu.
Theo ông Nkengasong, những dự đoán ban đầu cho rằng “một số lượng lớn người châu Phi sẽ tử vong vì đại dịch”. Nhưng CDC châu Phi đã quyết định không đưa ra bất cứ dự báo nào. “Khi tôi xem xét các dữ liệu và giả định, tôi thấy chúng không thuyết phục”, ông nói.
Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng dân số trẻ của châu Phi là một yếu tố lý giải tại sao dịch COVID-19 lại không gây ra con số tử vong lớn. Ngoài ra phải kể đến việc các chính phủ đã phong tỏa nhanh chóng cũng như sự xuất hiện muộn hơn của virus SARS-CoV-2 tại châu lục. Mặc dù vậy, ông Nkengasong cũng cảnh báo về tâm lý tự mãn, cho rằng chỉ một ca lây nhiễm duy nhất cũng có thể dẫn đến một làn sóng bùng phát dịch mới.
Với tư cách là quan chức y tế công cộng hàng đầu châu Phi, lãnh đạo một tổ chức y tế mới chỉ ra đời cách đây 3 năm, Nkengasong đã lao vào cuộc chạy đua cung cấp thiết bị y tế và hiện giờ là cung cấp vaccine ngừa COVID-19.
"Ban đầu, đó là một cú sốc". Nkengasong viết trên tạp chí Nature vào tháng 4: “Sự sụp đổ của hợp tác toàn cầu và sự thất bại của đoàn kết quốc tế đã đẩy châu Phi ra khỏi thị trường chẩn đoán [dịch bệnh]” và rằng “nếu châu Phi thất bại, thế giới cũng sẽ thất bại”.
Nhưng nguồn cung cấp y tế đã dần được cải thiện và các nước châu Phi đến nay đã tiến hành được 13 triệu xét nghiệm, tương đương 1% dân số châu lục, mặc dù mục tiêu lý tưởng phải là 13 triệu xét nghiệm/tháng.
Nkengasong và các nhà lãnh đạo châu Phi khác đã bị ám ảnh bởi ký ức 12 triệu người dân “lục địa đen” đã chết trong suốt một thập kỷ trước khi thuốc điều trị bệnh HIV/AIDS giá rẻ đến được châu lục này. “Điều đó sẽ không xảy ra nữa”, ông nói.
Trong tuần này, nhiều nhà lãnh đạo thế giới hơn bao giờ hết đang nhóm họp trực tuyến để tham gia nỗ lực toàn cầu lớn nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Đó là cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Nếu Nkengasong có thể nói điều gì đó với họ, ông sẽ nói: “Chúng ta nên hết sức cẩn trọng để lịch sử không nhìn nhận chúng ta ở phía sai lầm”.
Các nhà lãnh đạo châu Phi dự kiến cũng sẽ nói như vậy. “Đại dịch COVID-19 cho thấy chúng ta không có lựa chọn nào khác là phải dựa vào nhau”, Tổng thống Ghana, Nana Akufo-Addo phát biểu tại cuộc họp ngày 21/9.
Khi đại dịch bắt đầu, chỉ có hai quốc gia châu Phi có thể xét nghiệm SARS-CoV-2. Còn bây giờ tất cả đều có thể. CDC châu Phi tổ chức đào tạo trực tuyến về mọi thứ, từ xử lý an toàn các thi thể người tử vong đến theo dõi bộ gien.
Sema Sgaier, Giám đốc của Quỹ Surgo Foundation, cho biết: “Tôi nhìn vào châu Phi và nhìn vào Mỹ, thành thật mà nói tôi lạc quan hơn về châu Phi, vì sự lãnh đạo ở đó và những nỗ lực hết mình dù nguồn lực hạn chế”.
Với nguồn cung cấp vaccine COVID-19, các nước châu Phi đã tổ chức một hội nghị để nhấn mạnh việc tiếp cận công bằng và tìm hiểu hoạt động sản xuất để chấm dứt sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thế giới bên ngoài. Họ bắt đầu đảm bảo được tham gia các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, vốn đã được tổ chức từ lâu bên ngoài lục địa.
Ông Nkengasong cho biết châu Phi cần ít nhất 1,5 tỉ liều vaccine, đủ cho 60% dân số, với chi phí khoảng 10 tỉ USD. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới cho biết châu lục này nên nhận ít nhất 220 triệu liều vaccine thông qua một nỗ lực quốc tế nhằm phát triển và phân phối loại vaccine có tên COVAX.