Bên cạnh làn sóng bạo lực xảy ra ở nhiều nước như Nam Sudan, Nigeria, Ethiopia, Somalia, Burkina Faso..., châu Phi cũng đã chứng kiến các cuộc đảo chính ở Mali, Guinea, Sudan…, đe dọa nghiêm trọng đến tiến trình chuyển đổi dân sự ở khu vực.
Tranh giành quyền lực và sự can dự trực tiếp của quân đội đều được phản ánh trong ba cuộc đảo chính xảy ra tại châu Phi năm 2021.
Cuộc đảo chính quân sự tại Mali ngày 24/5 được cho là xuất phát từ những bất đồng sâu sắc về chia sẻ quyền lực của lực lượng đã tiến hành cuộc binh biến tương tự lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita hồi tháng 8/2020. Mâu thuẫn về vấn đề cải tổ nội các, các binh sĩ Mali đã bắt giữ tổng thống và thủ tướng của chính quyền chuyển tiếp, được thành lập sau cuộc đảo chính trước đó 9 tháng. Vụ chính biến thứ hai trong 9 tháng tại Mali khiến tiến trình chuyển đổi dân sự ở nước này bị gián đoạn.
Đến tháng 6/2021, Tòa án Hiến pháp Mali chỉ định Phó Tổng thống lâm thời, Đại tá Assimi Goita làm tổng thống chuyển tiếp mới để dẫn dắt quá trình chuyển giao chính trị của Mali, với các cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, tháng 11 vừa qua, giới chức Mali cho biết các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội dự kiến tổ chức vào đầu năm tới sẽ bị hoãn do tình hình an ninh bất ổn trên khắp đất nước.
Tại Guinea, ngày 5/9, phe quân đội do Đại tá Mamady Doumbouya cầm đầu đã tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền của Tổng thống Alpha Conde, xóa bỏ hiến pháp và đóng cửa biên giới. Chưa đầy một tháng sau, Đại tá Doumbouya đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời. Đây đươc xem là một cơn "địa chấn chính trị" dữ dội ở Guinea. Chính quyền quân sự do ông Doumbouya đứng đầu đặt ra một loạt nhiệm vụ then chốt, bao gồm soạn thảo hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử "tự do, dân chủ và minh bạch," song không thông báo thời điểm cụ thể để thực hiện quá trình chuyển tiếp này.
Trong khi đó, đảo chính quân sự được coi là một phần của "văn hóa chính trị" ở Sudan. Kể từ khi giành được độc lập năm 1956, Sudan đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính quân sự, trong đó đáng chú ý nhất là cuộc đảo chính do cựu Tổng thống Omar al-Bashir thực hiện vào năm 1989 nhằm chống lại chính phủ của phe dân chủ, mở đường cho ông Bashir lên nắm quyền cai trị đất nước trong suốt 30 năm. Tháng 4/2019, đến lượt ông Bashir bị lật đổ sau một cuộc binh biến, Sudan nằm dưới sự điều hành của Hội đồng Tối cao (gồm các đại diện từ nhóm quân sự và dân sự).
Tuy nhiên, do bất đồng về chia sẻ quyền lực giữa nhóm quân sự và dân sự, phe quân đội do Tướng Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu ngày 25/10 đã tiến hành đảo chính nhằm giành quyền kiểm soát. Thủ tướng Abdalla Hamdok cùng nhiều bộ trưởng và quan chức chính phủ bị bắt giữ. Sau đó, trước sức ép từ cộng đồng quốc tế, phe quân đội và Thủ tướng bị lật đổ Hamdok đã đạt được thỏa thuận gồm 14 điểm. Theo thỏa thuận, ông Hamdok đảm nhiệm vai trò thủ tướng của thời kỳ chuyển tiếp. Các bên tiếp tục các thủ tục để đạt được sự đồng thuận về hiến pháp, luật pháp và chính trị trong giai đoạn chuyển tiếp.
Sự kiện thay đổi chính quyền ở CH Chad vào tháng 4 cũng rất được chú ý bởi một số ý kiến cho rằng đây thực sự là một cuộc đảo chính. Sau cái chết không rõ ràng trên chiến trường của cố Tổng thống Chad Idriss Déby, con trai của nhà lãnh đạo này là Tướng Mahamat Idriss Déby Itno (37 tuổi) trở thành tổng thống lâm thời, với nhiệm vụ lãnh đạo quá trình chuyển tiếp kéo dài 18 tháng để tổ chức các cuộc bầu cử tự do và dân chủ tại nước này.
Tuy nhiên, trước khi Tướng Mahamat lên làm tổng thống lâm thời, quân đội Chad đã giải tán chính phủ và quốc hội, đình chỉ hiến pháp, mà theo bản hiến pháp này, chủ tịch quốc hội phải là người đảm nhiệm vị trí tổng thống lâm thời để dẫn dắt quá trình chuyển đổi của đất nước. Những diễn biến gần đây tại CH Chad có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh giành quyền lực do mâu thuẫn trong nội bộ quân đội cũng như sự chống đối ngày càng gia tăng của phe đối lập ở trong nước, dẫn tới nguy cơ đẩy CH Chad vào tình trạng hỗn loạn kéo dài.
Những vụ việc trên cho thấy đảo chính quân sự dường như vẫn là "căn bệnh kinh niên" ở châu Phi, khiến tình hình khu vực luôn bất ổn và làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo ở khu vực, nơi riêng số người cực kỳ nghèo ở vùng cận Sahara đã vượt qua con số 500 triệu, chiếm một nửa dân số châu lục.
Bên cạnh đó, xung đột vũ trang tại Ethiopia giữa lực lượng chính phủ và những người trung thành với Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray, hay xung đột dai dẳng giữa các phe phái trong đảng cầm quyền của Nam Sudan và nhiều vụ bạo lực giữa các cộng đồng ở nước này cũng tô đậm thêm bức tranh tối màu về bất ổn an ninh của châu Phi năm 2021.
Tại Bắc Phi, nơi từng trải qua làn sóng Mùa xuân Arab hồi đầu năm 2011, tình trình an ninh năm nay cơ bản đã ổn định hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, vẫn có những chỉ dấu cho thấy Bắc Phi luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Đó là việc Tổng thống Tunisia Kais Saied ngày 25/6 bất ngờ bãi nhiệm Thủ tướng Hicham Mechichi, đình chỉ hoạt động của quốc hội và tự đảm nhiệm quyền hành pháp.
Đó còn là những diễn biến ở Libya, khi các cuộc bầu cử theo kế hoạch hòa bình của Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya được Liên hợp quốc bảo trợ không thể diễn ra đúng lịch trình đã định là vào ngày 24/12, do các phe phái tại quốc gia Bắc Phi này vẫn bất đồng sâu sắc về cơ sở hiến pháp để tổ chức các cuộc bầu cử cũng như chưa có sự đồng thuận về cơ cấu quyền lực. Các cuộc bầu cử này được kỳ vọng sẽ chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị-an ninh kéo dài hơn 10 năm qua ở Libya, trong bối cảnh sự ra đời của Chính phủ Thống nhất quốc gia Libya (GNU) vào tháng 3/2021, giúp giải quyết tình trạng hai chính quyền cùng tồn tại song song, từng được coi là "một điểm sáng" trong bức tranh chính trị Bắc Phi.
Theo đánh giá của giới phân tích, các cuộc chính biến gần đây tại Sudan, Guinea, Mali và CH Chad hay những căng thẳng mới tại Ethiopia, Libya có nguy cơ đảo ngược quá trình dân chủ hóa mà châu Phi đã trải qua trong hai thập niên vừa qua, đưa châu lục này trở lại "kỷ nguyên của các cuộc đảo chính" và chia rẽ. Giới phân tích cũng cho rằng đảo chính có thể xảy ra thường xuyên hơn ở châu Phi trong những năm tới. Điều này sẽ đẩy châu Phi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng, qua đó khiến tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ hơn.
Bất ổn chính trị và bạo lực tại các nước châu Phi đều có những sắc thái và bối cảnh đặc thù ở mỗi nước, song nguyên nhân sâu xa vẫn là tranh giành quyền lực, cạnh tranh về lợi ích kinh tế và các nguồn tài nguyên, xung đột sắc tộc, sự bất hòa giữa các bộ tộc và các cộng đồng khác nhau. Bên cạnh đó, tình trạng bất ổn ở một số nước châu Phi còn có sự can thiệp từ các nhân tố bên ngoài. Dù là châu lục nghèo nhất thế giới, nhưng châu Phi sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào và có vị trí địa chính trị quan trong. Do đó, châu lục này cũng là nơi mà các nước lớn tranh giành ảnh hưởng và các lợi ích.
Có thể thấy, châu Phi năm 2021 vẫn là một bức tranh tối màu về chính trị và an ninh, mà vấn đề gốc rễ của các cuộc khủng hoảng và xung đột đều xuất phát từ mâu thuẫn sâu sắc về chia sẻ quyền lực và tranh giành lợi ích. Tình trạng bất ổn chắc chắn sẽ tạo ra các "khoảng trống an ninh" để các nhóm khủng bố như tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, nhóm Boko Haram và mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda cũng như nhiều nhóm thánh chiến Hồi giáo khác hoành hành ở khắp châu Phi.
Bên cạnh đó, bất ổn cũng có thể tiếp tục gây ra cuộc khủng hoảng người di cư và khủng hoảng nhân đạo trong khu vực. Một môi trường không có hòa bình chắc cũng sẽ khiến các nhà đầu tư rời đi, gây khó khăn cho các nỗ lực phát triển kinh tế. Khủng hoảng chính trị và an ninh đang đẩy châu Phi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng, trong bối cảnh tỷ lệ nghèo đói không ngừng tăng và tình hình kinh tế vốn khó khăn ngày càng kiệt quệ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Để đưa châu Phi trở thành một khu vực ổn định và phát triển thịnh vượng, nhiệm vụ đặt ra đối với lãnh đạo các nước là xử lý triệt để mọi vấn đề tồn tại như nghèo đói, thất nghiệp, tham nhũng, xung đột sắc tộc, cạnh tranh lợi ích và tranh giành quyền lực. Điều quan trọng hơn cả là củng cố niềm tin của người dân thông qua các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội, nhằm cải thiện cuộc sống của người dân.