Trung tâm trên lưu ý dịch COVID-19 đã lây lan ra 54 quốc gia trong châu lục, trong đó khu vực phía Nam châu Phi hiện là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất, sau đó lần lượt là Bắc Phi và Tây Phi.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Bộ Y tế Ai Cập cùng ngày 25/6 thông báo nước này ghi nhận thêm 1.569 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia Bắc Phi này lên 61.130 người. Số ca mắc COVID-19 ở Ai Cập đang có chiều hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây, theo đó trung bình mỗi ngày ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới. Ngoài ra, đã có thêm 83 ca tử vong, và tổng số ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này ở Ai Cập đến nay là 2.533 người. Ai Cập cũng ghi nhận thêm 403 bệnh nhân đã bình phục và được ra viện, qua đó nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 16.3 người.
Mặc dù số ca mắc COVID-19 chưa giảm, song Ai Cập vẫn đang xúc tiến kế hoạch từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế, trong đó có rút bớt thời gian giới nghiêm vào ban đêm. Kể từ ngày 27/6 tới, Ai Cập sẽ cho phép mở cửa trở lại các nhà hàng, quán cà phê và các câu lạc bộ thể thao với công suất hoạt động tối đa 25% trong giai đoạn đầu nối lại các hoạt động kinh tế - xã hội.
Theo quy định, các quán cà phê và nhà hàng sẽ được phép hoạt động đến 22h hằng ngày, trong khi các cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa lúc 21h. Hình thức hút shisha truyền thống của người Ai Cập vẫn tiếp tục bị cấm.
Hãng hàng không quốc gia Ai Cập EgyptAir vừa thông báo sẽ nối lại các chuyến bay tới 24 điểm đến từ tuần đầu tiên của tháng 7 tới và bổ sung thêm các điểm đến trong những tuần tiếp theo. Cụ thể, hãng hàng không này sẽ thực hiện các chuyến bay tới 13 điểm đến ở châu Âu, 3 điểm ở châu Phi, 4 ở Trung Đông, 3 ở Bắc Mỹ và 1 địa điểm ở Trung Quốc. Ngoài ra, hãng cũng thực hiện các chuyến bay nội địa tới các điểm du lịch nổi tiếng như Sharm El Sheikh, Hurghada, Luxor và Aswan.
EgyptAir dự kiến hoạt động khoảng 20-30% công suất khi hãng nối lại các chuyến bay vào đầu tháng 7 tới và duy trì ở mức 50% công suất vào cuối năm nay.
EgyptAir đang tìm kiếm khoản vay 3 tỷ bảng Ai Cập (186,10 triệu USD) nhằm khắc phục khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng do COVID-19 gây ra. Sự bùng phát dịch COVID-19 khiến Ai Cập phải đóng cửa các sân bay từ giữa tháng 3 đến nay và hầu hết tất cả các chuyến bay quốc tế đều không thể cất cánh được.
Trong khi đó tại một hội thảo trực tuyến được tổ chức cùng ngày 25/6, giới lãnh đạo trong ngành chế tạo của các nước Kenya, Ai Cập và Zambia cho biết một số nước châu Phi đang chứng kiến hoạt động sản xuất và kinh doanh dần hồi phục trong khi thực hiện những biện pháp mới nhằm khống chế đại dịch.
Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà chế tạo Kenya (KAM) Phyllis Wakiaga đánh giá hoạt động sản xuất có dấu hiệu phục hồi khi chính phủ và khu vực tư nhân bắt đầu mua thêm nhiều sản phẩm được sản xuất trong nước. Một số nhà chế tạo đã điều chỉnh hoạt động để tạo ra những sản phẩm với nhu cầu cao hơn trong thời kỳ dịch bệnh. Theo bà Wakiaga, Kenya cần thúc đẩy sản xuất một số mặt hàng mà nước này thường phải nhập khẩu, đồng thời cần tăng chuỗi cung ứng sản phẩm trong châu lục.
Những người tham dự hội thảo cho rằng một trong những động lực thúc đẩy đà phục hồi sản xuất là tìm nguồn cung ứng hàng hóa trong nước. Chẳng hạn, các nước như Kenya hiện dừng nhập khẩu những mặt hàng có nhu cầu cao như khẩu trang y tế sau khi tập huấn cho người dân địa phương cách sản xuất khẩu trang y tế đạt chuẩn.
Chủ tịch Văn phòng Các ngành hóa chất Ai Cập Sherif El Gabaly cũng bày tỏ lạc quan về sự phục hồi của sản xuất và kinh doanh, đồng thời cho biết hoạt động xuất khẩu của nước này gia tăng đáng kể.
Về phần mình, Giám đốc điều hành Sở Giao dịch hàng hóa Đông Phi Joshua Rugema cho biết việc các nhà sản xuất tăng nhập khẩu nguyên liệu thô kéo theo nhu cầu đối với kho chứa hàng tăng so với năm ngoái tại Đông Phi. Để đáp ứng nhu cầu tìm kho chứa hàng của chính phủ và khu vực tư nhân, Sở Giao dịch hàng hóa Đông Phi có kế hoạch tăng sức chứa của các kho hàng hiện có.