Cháy nổ làm tê liệt nhà máy sản xuất khí hóa lỏng tại Mỹ

Một trong những nhà máy lớn nhất của Mỹ sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để xuất khẩu đã bị hư hại do xảy ra vụ nổ và hỏa hoạn.

Theo đài RT, vụ việc đã buộc nhà máy ở Texas phải ngừng hoạt động. Dự báo sự cố này sẽ ảnh hưởng đến thị trường châu Âu và châu Á.

Tối 8/6 (giờ Mỹ), nhà máy này ra thông báo: “Do hậu quả của vụ hỏa hoạn hôm nay, cơ sở hóa lỏng của Freeport LNG đang ngừng hoạt động và sẽ ngừng hoạt động trong tối thiểu ba tuần”.

Xem video lính cứu hỏa dập lửa tại nhà máy (nguồn: RT):

Trước đó trong ngày, công ty Freeport LNG đã thừa nhận xảy ra sự cố tại nhà máy Quintana, cách Houston khoảng 112km về phía nam, nhưng cho biết không có nhân viên nào bị thương và không có rủi ro nào đối với cộng đồng.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác của vụ cháy và mức độ thiệt hại. Sau khi một số nhân chứng báo cáo nghe thấy tiếng nổ và nhìn thấy một ngọn lửa lớn bốc lên trong khu vực, các đài truyền hình địa phương đã ghi lại hình ảnh từ trên không cho thấy các nhân viên cứu hỏa xuất hiện tại nhà máy, nhưng không có dấu hiệu ngọn lửa bùng ra ngoài.

Cơ sở nói trên của Freeport LNG thực hiện quá trình siêu lạnh và hóa lỏng khoảng 57 triệu mét khối khí tự nhiên mỗi ngày, tương đương khoảng 20% ​​toàn bộ công suất xuất khẩu của Mỹ. Nhìn chung, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, xuất khẩu LNG của Mỹ vào khoảng 276 triệu mét khối khí/ngày vào năm 2021, đạt tổng mức kỷ lục 100 tỷ mét khối trong năm đó.

Trong khi giá khí đốt tự nhiên của Mỹ giảm hơn 6% vào ngày 8/6, thì sự cố này được cho là sẽ đẩy giá lên và tác động rộng hơn đối với các thị trường toàn cầu.

Sự cố xảy ra khi châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn do gián đoạn chuỗi cung sau đại dịch và do hậu quả của chiến dịch trừng phạt chưa từng có của phương Tây áp đặt lên Nga. Bất chấp mọi nỗ lực cắt đứt quan hệ, EU vẫn nhận được khoảng 40% tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga, chủ yếu qua đường ống, sau khi đã mua khoảng 155 tỷ mét khối vào năm 2021.

Trong khi đó, xuất khẩu của Mỹ sang EU đạt hơn 22 tỷ mét khối vào năm ngoái. Tổng thống Joe Biden đã hứa sẽ tăng lượng cung cấp LNG thêm 15 tỷ mét khối vào năm 2022, nhưng một số nhà phân tích cho rằng Mỹ đã sản xuất hết công suất và nếu bán khí bổ sung cho châu Âu thì Mỹ sẽ phải lấy từ lượng xuất khẩu dành cho những người mua khác.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Đức tăng cường biện pháp dự phòng trong trường hợp thiếu khí đốt
Đức tăng cường biện pháp dự phòng trong trường hợp thiếu khí đốt

Ngày 8/6, chính phủ Đức đã nhất trí đề xuất Quốc hội nước này ban hành một dự luật mới nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa trong trường hợp nguồn cung khí đốt đột ngột bị gián đoạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN