Theo Giám đốc Cơ quan Tình trạng khẩn cấp Madrid, ông Carlos Novillo, đến sáng 3/8, về cơ bản lực lượng chức năng đã thiết lập được vành đai xung quanh khu vực cháy và triển khai máy bay cứu hỏa thả bom nước. Nhiều cư dân sống gần khu vực cháy rừng đã sớm được sơ tán khẩn cấp nên không có thiệt hại về người. Một số ngôi nhà bị hư hại do "giặc lửa".
Ngoài Tây Ban Nha, nhiều nước châu Âu khác như Italy, Pháp... cũng đang đối mặt với tình trạng nắng nóng kéo dài, với nhiệt độ có lúc lên tới 40 độ C, độ ẩm thấp và gió mạnh, gây cháy rừng nghiêm trọng. Theo dữ liệu của Cơ quan Dự báo thời tiết quốc gia Italy, do ảnh hưởng của đợt không khí nóng đến từ châu Phi, 6 tháng cuối năm nay là giai đoạn nóng nhất kể từ năm 1800, với nhiệt độ cao hơn 1,1 độ C so với mức trung bình tại nước này.
Nắng nóng kết hợp với khí hậu khô là nguyên nhân gây ra trung bình hơn hai đám cháy/ngày trên khắp Italy kể từ đầu mùa Hè. Trong khi đó, giới chức Pháp cảnh báo mùa cháy rừng tại nước này năm nay sẽ nghiêm trọng hơn vì tình trạng khô hạn và nhiệt độ cao bất thường. Mùa cháy rừng năm 2019, khoảng 15.000 hécta rừng trên toàn nước Pháp đã bị thiêu rụi.
Trong khi đó, ngày 3/8, lực lượng lính cứu hỏa đã chạy đua với "giặc lửa" để khống chế đám cháy rừng đang lây lan ngoài tầm kiểm soát tại khu vực phía Nam bang California của Mỹ, đe dọa hàng nghìn người dân và ngôi nhà ở khu vực phía Đông thành phố Los Angeles.
Với sự hỗ trợ của trực thăng, máy bay chữa cháy và xe tải phun nước liên tục, hơn 2.200 lính cứu hỏa đã nỗ lực dập tắt đám cháy có tên Apple Fire. Tính đến nay, đám cháy bùng phát ngày 31/7 ở gần thành phố San Bernardino đã thiêu rụi hơn 8.000 hécta rừng, ít nhất 2.600 ngôi nhà và khiến gần 7.800 người phải đi sơ tán.