Làm việc tại công ty Storyful chuyên xác minh và phân tích nội dung truyền thông xã hội cho các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế, bà Stephanie Hunt cho biết hiện đang có một lượng lớn thông tin sai lệch về cháy rừng ở Australia. Đó có thể là những hình ảnh gây xúc động, tạo sự cảm thông và lòng trắc ẩn, song những hình ảnh này không có thật.
Theo bà Hunt, không chỉ là thông tin giả, một số hình ảnh mà người dùng mạng xã hội đang lưu truyền như bằng chứng về sự tàn khốc của các đám cháy rừng hiện nay, là từ các vụ cháy rừng xảy ra trước đây. Chẳng hạn một video được đăng tải rộng rãi trên các mạng xã hội những ngày gần đây là vụ va chạm giữa các xe cứu hỏa trong vụ cháy Pinery ở Nam Australia xảy ra hồi năm 2015. Video này thậm chí được chia sẻ bởi các nhân vật nổi tiếng, như người dẫn chương trình thể thao Nine Network Erin Molan hay cựu cầu thủ bóng bầu dục Wendell Sailor, và thu hút hàng chục nghìn lượt xem chỉ trong một thời gian ngắn.
Ngoài ra, trên các phương tiện truyền thông còn xuất hiện một bản đồ và thậm chí là hình ảnh vệ tinh phóng đại quy mô của các đám cháy rừng. Một tính năng kiểm tra mới trên mạng xã hội Facebook đã dán nhãn cảnh báo đây là những “thông tin sai lệch”.
Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Australia (ACCC) cho biết trong thời gian qua Ủy ban này cũng đã nhận được hàng chục báo cáo mỗi ngày về các hành vi lừa đảo liên quan đến cháy rừng, trong đó có nhiều trường hợp lừa đảo quyên góp ủng hộ nạn nhân của thảm kịch này qua điện thoại hoặc qua mạng internet.
"Mùa cháy rừng" năm nay ở Australia bắt đầu sớm hơn, đồng thời được dự báo sẽ kéo dài hơn, cũng như gây hậu quả tàn khốc hơn so với các năm trước. Tình trạng hạn hán kéo dài suốt 3 năm qua đã khiến các khu vực rộng lớn ở miền Đông và miền Tây của Australia dễ bắt cháy. Theo số liệu cập nhật, các vụ cháy rừng kể từ tháng 9 năm ngoái đến nay đã khiến 25 người thiệt mạng, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và cháy lan rộng trên diện tích hơn 8 triệu hécta.