Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, sau khi thị sát bằng máy bay trực thăng qua khu vực trung tâm đám cháy, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã thừa nhận: “Rất khó để dập tắt đám cháy, chúng tôi muốn trung thực với nhân dân”, đồng thời nhấn mạnh dù các đám cháy đã giảm được 70% trong ngày qua, nhưng điều kiện thời tiết bất lợi, đặc biệt là gió mạnh, sẽ làm tình trạng tồi tệ hơn".
Chính phủ Bolivia đã cử máy bay lên thẳng để sơ tán khẩn cấp dân cư trong các vùng nguy cơ cao, đồng thời điều động thêm 400 binh sĩ quân đội tham gia chữa cháy cùng các lực lượng hữu trách.
Từ ngày 17/8, Thống đốc bang Santa Cruz, Rubén Costas đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn bang vì cháy rừng, và trong ngày 20/8, các cơ quan theo dõi vẫn ghi nhận 12 điểm cháy rừng tại 7 huyện của bang. Theo thống kê chính thức, chỉ trong tháng 8 này, bang Santa Cruz đã ghi nhận 7.024 điểm cháy rừng và con số dự kiến của cả năm 2019 là 16.885 điểm.
Tới nay, trận cháy rừng kéo dài nhiều ngày này vẫn chưa gây thiệt hại về người, nhưng đã hủy hoại nhiều diện tích trồng trọt, vật nuôi và gây thiếu nước sạch trên diện rộng.
Trong diễn biến liên quan, Trung tâm nghiên cứu không gian (INPE) của Brasil cùng ngày cũng ra thông báo cho biết, các trận cháy rừng tại quốc gia rộng lớn nhất Nam Mỹ này đã hủy hoại diện tích kỷ lục là 72.843 hécta trong năm nay, chủ yếu là tại vùng rừng rậm Amazon, vốn được coi là “lá phổi của hành tinh”.
Con số này tăng tới 83% so với con số ghi nhận trong cùng kỳ năm 2018 và là hậu quả của 9.507 vụ cháy rừng từ đầu năm, theo thống kê qua hình ảnh chụp từ vệ tinh của INPE.
Nhà nghiên cứu của INPE, Alberto Setzer nhận định dù thời tiết năm nay khô hạn hơn tại Amazon, nhưng chưa tới mức bất thường, và nguyên nhân chủ yếu của nạn cháy tại vùng rừng rậm lớn nhất thế giới này là do việc đốt thảo nguyên để lấy đất canh tác, được thúc đẩy bởi chính sách khuyến khích mở rộng đất trồng của chính phủ đương nhiệm.