Chìa khóa để Thái Lan tự tin bước vào năm học mới

Nhằm tăng cường khả năng miễn dịch cho học sinh trước khi khai giảng năm học mới, Thái Lan đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em trên toàn quốc với mục tiêu tăng tỷ lệ học sinh từ 5-18 tuổi được tiêm mũi thứ hai và mũi tăng cường lên ít nhất 60%.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại tỉnh Pattani, miền Nam Thái Lan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Y tế Sathit Pitutecha cho biết bộ đã có các biện pháp nhằm kiểm soát lây nhiễm COVID-19 khi khoảng 35.000 trường học trên cả nước sẽ nối lại các hoạt động giảng dạy tại chỗ từ ngày 17/5. Các trường học được yêu cầu giải thích cho phụ huynh học sinh về những lợi ích khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhằm khuyến khích họ đưa con em đi tiêm chủng.

Theo Bộ Y tế Thái Lan, tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong trẻ em ở nước này đã ổn định trong 3 tháng đầu năm. Trong tháng 4, số ca mắc COVID-19 ở trẻ từ 0-6 tuổi cao hơn so với nhóm từ 7-12 và từ 13-19 tuổi, nhưng tỷ lệ tử vong thấp. Chuyên gia về virus học hàng đầu của Thái Lan, Tiến sĩ Yong Poovorawan cho rằng chính phủ cần đẩy nhanh việc tiêm chủng cho trẻ em để làm phẳng đường cong dịch tễ vì trẻ em có thể lây truyền COVID-19 cho các thành viên gia đình, mặc dù hầu hết trẻ em không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ sau khi nhiễm bệnh.

Tiến sĩ Yong nhấn mạnh trẻ em cũng phải học và đến trường, đặc biệt là các em nhỏ. COVID-19 đã lây lan nhanh chóng ở trẻ em trong các học kỳ từ tháng 6-9/2021 và từ 1-3/2022. Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm đã giảm trong học kỳ thứ hai khi việc tiêm chủng cho học sinh được tiến hành. Do đó, chính phủ cần nhanh chóng tiêm mũi thứ hai cho trẻ em càng sớm càng tốt trước khi tiêm mũi nhắc lại trong năm học mới. Chuyên gia này cho rằng 2 mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể bảo vệ trẻ em trong thời gian ngắn, nhưng khả năng miễn dịch sau đó sẽ suy giảm. Do đó, trẻ em cần được tiêm mũi thứ ba để có khả năng miễn dịch cao hơn về lâu dài.

Ngoài ra, Tiến sĩ Yong lưu ý cần phải có các biện pháp phòng ngừa bổ sung vì COVID-19 và các bệnh đường hô hấp khác như cúm có khả năng lây lan trong học sinh vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9. Ông nhận định COVID-19 vẫn có thể gây bệnh nặng và thậm chí tử vong ở trẻ em. Việc đảm bảo học sinh nhỏ tuổi duy trì giãn cách xã hội và đeo khẩu trang là rất khó khăn. Vì vậy, phụ huynh và giáo viên phải phối hợp nhằm đảm bảo an toàn khi trường học mở cửa trở lại, đặc biệt là nhóm dưới 5 tuổi còn quá bé để tiêm chủng. Trong khi đó, học sinh tiểu học trở lên nên tiêm phòng trước khi trở lại trường và không đến trường nếu bị ốm. Ngoài ra, những người cao tuổi sống cùng nhà với học sinh cũng nên được tiêm ít nhất 3 mũi vaccine để giảm thiểu nguy cơ bị các triệu chứng nặng nếu học sinh mang virus từ trường về nhà.

Cho tới cuối tháng 4, tỷ lệ tiêm chủng của trẻ từ 5 đến 11 tuổi tại Thái Lan chỉ đạt 50% so với chỉ tiêu ước tính. Trong số 5,1 triệu trẻ em ở nhóm tuổi này, có 2,5 triệu em đã tiêm mũi đầu tiên và 290.000 tiêm mũi thứ hai. Trong khi đó, 4,3 triệu thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi đã được tiêm mũi đầu tiên và 3,9 triệu được tiêm chủng đầy đủ.

Tổng Thư ký Ủy ban Giáo dục cơ bản (BEC) Amporn Pinasa cho rằng một nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em chưa đạt kỳ vọng mặc dù số lượng trẻ em mắc COVID-19 gia tăng là do phụ huynh học sinh chưa đồng ý tiêm. Nhằm gia tăng lựa chọn cho phụ huynh học sinh, ngoài những vaccine đã được cho phép từ trước là của các hãng Sinovac, Sinopharm và Pfizer, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Thái Lan đã phê duyệt thêm 2 loại vaccine ngừa COVID-19 được tiêm cho trẻ em. Theo quyết định của FDA, vaccine Covovax do Viện Serum của Ấn Độ phát triển cùng với công ty Covovax có trụ sở ở Mỹ có thể được tiêm cho nhóm từ 12-17 tuổi với liều lượng 0,5 ml, cách nhau 3 tuần giống như đối với người lớn. Trong khi đó, vaccine Spikevax của hãng Moderna có thể được tiêm cho trẻ em từ 6-11 tuổi, mở rộng từ giới hạn trước đó là 12 tuổi trở lên. Vaccine này phải được tiêm hai liều, mỗi liều 0,25 ml (một nửa liều dành cho người lớn) trong khoảng thời gian bốn tuần.

Chú thích ảnh
 Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Bên cạnh việc tiêm chủng COVID-19 cho trẻ em, các điểm còn lại trong chiến lược mở cửa trường học an toàn của Bộ Y tế Thái Lan là đảm bảo tất cả các trường học phải đáp ứng ít nhất 95% trong đánh giá của các cơ quan y tế cấp tỉnh sử dụng tiêu chuẩn trong bộ quy tắc “Thai Stop COVID Plus”, sàng lọc những học sinh có triệu chứng và nguy cơ bằng xét nghiệm kháng nguyên và có kế hoạch khẩn cấp để đảm bảo các trường học vẫn mở cửa ngay cả khi phát hiện có ca bệnh.

Theo quy định, các bàn học sẽ được đặt cách nhau 1m thay vì 1,5m để đảm bảo một lớp học 64m2 thông thường có thể đủ cho 42 học sinh. Các phòng học có điều hòa nhiệt độ sẽ được thông gió định kỳ 2 giờ/lần. Các trường học được khuyến cáo tách riêng khu vực ăn uống trong giờ nghỉ trưa và đảm bảo học sinh không nói chuyện trong khi ăn. Học sinh cũng sẽ được yêu cầu đeo khẩu trang trong giờ ra chơi.

Trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng cho hệ thống giáo dục của Thái Lan. Mặc dù nhiều trường đã tổ chức các lớp học trực tuyến để tạo điều kiện cho trẻ học tập trong cuộc khủng hoảng COVID-19, một số học sinh đã mất đi cơ hội học tập do thiếu thiết bị điện tử, đặc biệt là điện thoại thông minh và kết nối Internet ổn định. Một số học sinh nhập cư ở các tỉnh biên giới đã mất cơ hội học tập tại các trường học của Thái Lan khi gia đình các em phải trở về quê hương do nhiều yếu tố khác nhau.

Căng thẳng là một yếu tố khác gây ảnh hưởng đến học sinh khi tham gia các lớp học trực tuyến vì các em buộc phải học trong điều kiện cách ly tại nơi ở của mình mà không thể tương tác trực tiếp với giáo viên và bạn bè. Bài tập về nhà do giáo viên giao cũng khiến học sinh căng thẳng vì một số em không nắm vững môn học. Điều đó khiến việc mở cửa lại trường học trở thành nhu cầu cấp thiết. Việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine và chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án ứng phó được xem là "chìa khóa.

Ngọc Quang (TTXVN)
Triều Tiên sử dụng nguồn dự phòng quốc gia để chống dịch COVID-19
Triều Tiên sử dụng nguồn dự phòng quốc gia để chống dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Đông Bắc Á, ngày 15/5, Triều Tiên một lần nữa triệu tập cuộc họp Bộ chính trị để đưa ra các đường hướng chỉ đạo trong nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN