Bốn quốc gia Trung Âu trên đã thành lập một nhóm không chính thức được gọi là Visegrad 4.
Theo hãng tin AP, trong khi CH Séc và Ba Lan thống nhất ủng hộ nhiệt tình cho Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp vũ khí, Hungary và Slovakia có quan điểm hoàn toàn ngược lại.
Thủ tướng Séc Petr Fiala, người chủ trì cuộc gặp của Visegrad 4 ở Praha, cho biết: “Có những khác biệt giữa chúng tôi. Tôi sẽ không giữ bí mật, sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng tôi bất đồng quan điểm về cuộc xung đột Nga - Ukraine và cách giải quyết cuộc khủng hoảng này”.
Về phần mình, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói: "Việc đánh giá về những gì đang diễn ra hiện nay ở Ukraine phải rõ ràng".
Phía Ba Lan cho biết họ sẵn sàng đóng góp vào kế hoạch của CH Séc để mua đạn dược mà Ukraine rất cần từ các nước thứ ba ngoài Liên minh châu Âu.
Ngược lại, Slovakia và Hungary đã từ chối cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine. Trong khi Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói rằng cách tiếp cận cuộc chiến của phương Tây là “thất bại tuyệt đối”, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán vẫn duy trì mối quan hệ với Nga.
Ông Fico lưu ý: “Tôi không tin vào giải pháp quân sự cho cuộc xung đột ở Ukraine và cho rằng EU nên có kế hoạch hòa bình cho cuộc chiến".
Nhà lãnh đạo Slovakia cũng phản đối các lệnh trừng phạt Nga của EU và muốn ngăn Ukraine gia nhập NATO. ÔngFico nói rằng số lượng vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine sẽ không thay đổi được cục diện cuộc chiến.
Trong khi đó, Thủ tướng Orbán nêu rõ: “Chiến tranh chỉ có thể kết thúc bằng đàm phán", nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán hòa bình nên bắt đầu càng sớm càng tốt.