Chiếc USB và chiến dịch “Make in India”của Ấn Độ

Nhân ngày Quốc khánh, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có một bài diễn văn ấn tượng, trong đó ông kêu gọi các nhà đầu tư “Hãy đến, hãy sản xuất tại Ấn Độ”. Đây cũng là lần đầu tiên sáng kiến “Make in India” (Hãy sản xuất tại Ấn Độ”) được ông Modi đề cập và trở thành một chiến dịch được phát động rầm rộ cuối tháng 9 vừa qua, với mục đích là biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu.


Sự kiện phát động chiến dịch sẽ rất hoàn hảo, nếu như không có ai đó tinh mắt phát hiện ra những chiếc USB dùng để chứa tài liệu quảng bá và thông tin về chiến dịch “Make in India” lại in rành rành dòng chữ “Made in China”. Việc này có thể coi là một sự sơ suất nhỏ của Bộ Quảng cáo và Chính sách Công nghiệp Ấn Độ (DIPP) - đơn vị phụ trách tổ chức sự kiện phát động “Make in India”. Tuy nhiên, nó lại làm lộ rõ những hạn chế lớn của cả một ngành sản xuất của Ấn Độ.

 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) phát động chiến dịch "Make In India" ngày 25/9.


Sản xuất những chiếc USB là công việc quá dễ dàng với người Ấn Độ, đất nước vốn nổi tiếng là một trung tâm sản xuất - gia công chất lượng cao của nhiều tập đoàn quốc tế. Mới đây nhất, nước này còn đưa được vệ tinh lên Sao Hoả ngay trong lần phóng thử đầu tiên. Mặc dù vậy, một số kế hoạch phát triển sản xuất liên quan đến công nghệ trung bình của Ấn Độ lại không thành công. Nước này phải nhập 65% các sản phẩm điện tử phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, phần lớn là từ Trung Quốc. Nếu tình hình này không thay đổi, vào năm 2020, tiền bán dầu mỏ của Ấn Độ sẽ không đủ để nhập hàng điện tử tiêu dùng.


Theo ông Hemant M. Joshi thuộc công ty tư vấn Delotte Haskins & Sells LLP, từ cách đây 35 đến 40 năm, Ấn Độ đã bỏ bê ngành sản xuất điện tử. “Đó là thời điểm mà các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc bắt đầu tập trung mạnh vào lĩnh vực này. Và giờ Ấn Độ đang phải trả giá”, ông nói.

 

Chiếc USB “made in China” dùng chứa tài liệu của chiến dịch “Make in India".


Dự báo nhu cầu về hàng điện tử của Ấn Độ sẽ lên đến 400 tỷ USD đến năm 2020, trong khi khả năng của các nhà sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 25%. Khoảng thiếu hụt sẽ buộc phải nhập khẩu để bù vào.


Nói cụ thể về mặt hàng USB, hơn một nửa số USB dùng ở Ấn Độ là hàng Trung Quốc. Trong 2 năm qua, Ấn Độ phải chi ,46 triệu USD để nhập khẩu chính xác là 55.315.890 chiếc USD từ Trung Quốc. Nếu tính cả tiền bỏ ra để mua USB từ các nước khác như Singapore, Hà Lan, Mỹ, Anh…, Ấn Độ tốn tới 120 triệu USD trong giai đoạn này. Trong khi đó, số USB mà Ấn Độ tự làm và bán cho các nước khác chỉ có giá trị 39 triệu USD.


Trang web chiến dịch “Make in India” đã xác định thẻ nhớ và USB là những sản phẩm điện tử ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, hiện nay, việc sản xuất USB ở Ấn Độ gặp một số thách thức lớn. Theo ông Mangal Chechani, đồng sáng lập công ty Wow Retail Pvt có thâm niên 4 năm sản xuất USB và các thiết bị điện tử khác với thương hiệu Next USB: Thách thức lớn mà các doanh nghiệp đối mặt là chi phí thành lập nhà máy. Tiếp đó là nguồn nhân công có kỹ năng. Trong khi đó, ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc đã trưởng thành và được tổ chức tốt đến mức một khi tiếp cận được, việc làm ăn kinh doanh rất dễ dàng vì mọi thứ như nguồn nhân công, kỹ năng, phương pháp… đều sẵn có.


Quay trở lại chuyện cái USB, lẽ ra lễ phát động chiến dịch “Make in India” có thể đã thành công mỹ mãn nếu các nhân viên để ý hơn đến những tiểu tiết, tránh cho “Make in India” lẫn một “hạt sạn” không đáng có. Dù chưa ai dám nghi ngờ về sự thành công của chiến dịch này, song rất có thể ngành điện tử sẽ là một khiếm khuyết của cả một nền công nghiệp, dịch vụ hoành tráng mang tầm cỡ toàn cầu mà Ấn Độ đang hướng tới.



Thùy Dương

Chiến dịch 'Make in India' sẽ biến Ấn Độ thành 'Sư tử'
Chiến dịch 'Make in India' sẽ biến Ấn Độ thành 'Sư tử'

Sáng kiến “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) sẽ tìm cách thay thế “con Voi” với những bước đi chậm chạp, bệ vệ bằng một “con Sư Tử” có cú phi nhanh so với “con Rồng” Trung Quốc và các “con Hổ” châu Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN