Trong đó, việc giải quyết tình trạng giá thực phẩm và nhà ở cao được xem là những vấn đề trọng tâm mà bà Harris hướng tới để lôi kéo sự ủng hộ của cử tri.
Theo đó, bà Kamala Harris sẽ công bố kế hoạch giải quyết chi phí thực phẩm cao thông qua việc thúc đẩy một lệnh cấm tăng giá liên bang. Bà cũng đặt mục tiêu cắt giảm các chi phí khác nhằm giải quyết lạm phát - mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ.
Mặc dù nhìn chung lạm phát đã giảm, song giá thực phẩm ở Mỹ vẫn cao hơn 21% so với 3 năm trước. Trong khi đó, chi phí nhà ở cao cũng là một yếu tố chính khác thúc đẩy lạm phát. Do đó, bà Harris có kế hoạch sử dụng các nguồn lực của liên bang để thúc đẩy việc xây dựng 3 triệu ngôi nhà mới nếu đắc cử tổng thống, thông qua quy định để kìm hãm tốc độ tăng tiền thuê nhà và cung cấp khoản hỗ trợ thanh toán trước 25.000 USD cho những người mua nhà lần đầu. Kế hoạch nhà ở của Phó Tổng thống Harris còn bao gồm tăng gấp đôi "quỹ đổi mới" trị giá 20 tỷ USD của chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden dành cho xây dựng nhà ở.
Tại sự kiện diễn ra vào ngày 15/8 ở bang Maryland, Tổng thống Biden và bà Harris đã nêu bật những nỗ lực của chính quyền trong việc giảm giá thuốc kê đơn. Theo họ, các cuộc đàm phán về giá thuốc sẽ giúp giảm hàng trăm USD, thậm chí hàng nghìn USD so với giá niêm yết của 10 loại thuốc phổ biến nhất và có giá thành đắt nhất trong chương trình bảo hiểm y tế quốc gia Medicare.
Trong khi chính quyền đảng Dân chủ đang nỗ lực thúc đẩy cải cách kinh tế, niềm tin của người tiêu dùng vẫn ở mức thấp, đặc biệt là đối với người có thu nhập thấp ngay cả khi lạm phát đã hạ nhiệt.
Theo Bộ Lao động Mỹ ngày 14/8, trong tháng 7, lạm phát tại Mỹ đã giảm xuống dưới 3% lần đầu tiên trong gần 3 năm rưỡi, nhưng giá thực phẩm và hàng tiêu dùng vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch COVID-19 và là mối quan tâm hàng đầu của cử tri. Nhiều người cho rằng lệnh cấm tăng giá bất hợp lý có thể không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của tình hình lạm phát dai dẳng, vốn là vấn đề đặt ra nhiều thách thức.