Kênh truyền hình TeleSur đưa tin ông Tovar đã lần ra chiến dịch truyền thông giả mạo (fake news) chống phá Cách mạng Cuba trong vài ngày qua được khơi nguồn từ nước ngoài và có liên quan đến nhà hoạt động chính trị cánh hữu người Argentina tên là Agustin Antonelli. Nhân vật này đã tham gia một số hoạt động nhằm chống phá phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh.
Chiến dịch kích động, tung tin thất thiệt xuất hiện trên các trang mạng hội thường sử dụng hàng loạt robot tự động, thuật toán và tài khoản mới thiết lập nhằm tạo ra lan truyền những thông điệp gây rối loạn.
Tài khoản gây kích động đầu tiên sử dụng từ khóa #SOSCuba, liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19 tại quốc gia Mỹ Latinh này, được xác định vị trí ở Tây Ban Nha. Tài khoản này đã đăng trên 1.000 dòng tweet chỉ trong hai ngày 10 – 11/7 trên mạng xã hội Twitter với cài đặt tự động đăng lại 5 lần sau mỗi giây.
Ông Tovar chỉ ra rằng nhân vật Agustín Antonetti chính là một đối tượng đứng đằng sau chiến dịch này. Antonetti đã tham gia hàng loạt chiến dịch phát tán thông tin giả và sử dụng phần mềm tự động trên mạng xã hội để chống lại các tiến trình cánh tả ở Mỹ Latinh, trong số nạn nhân có cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales và Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrado. Tình tiết này đã được khẳng định trong các cuộc điều tra trước đó, trích dẫn lệnh trừng phạt của Facebook đối với những tài khoản bị sử dụng làm công cụ tuyên truyền chính trị sai lệch trên nền tảng này.
Trong cuộc điều tra kỹ lưỡng của mình, nhà phân tích Julian Macias cho biết chiến dịch tung tin giả trên nhắm vào đối tượng là những người hoạt động nghệ thuật, lôi kéo họ chia sẻ tweet gắn từ khóa (hashtag) #SOSCuba, ám chỉ đến tình trạng thiếu nguồn lực y tế và tử vong vì COVID-19 ở Cuba.
Đáng chú ý, khi phân tích các phản hồi, hầu hết chúng xuất phát từ các tài khoản mới tạo hoặc mới chỉ tồn tại có 1 năm. Hơn 1.500 tài khoản đã tham gia vào hoạt động với hashtag #SOSCuba đã được tạo trong khoảng thời gian từ ngày 10 - 11/7 và lượt chia sẽ cũng gia tăng với tốc độ chóng mặt.
Các phương tiện truyền thông quốc tế sau đó đưa tin về chiến dịch tin giả được giới nghệ sĩ ủng hộ này. Hôm 11/7, nhờ hàng trăm ngàn lượt tweet và nhiều người nổi tiếng tham gia, từ khóa #SOSCuba đã trở thành một xu hướng toàn cầu tại một số quốc gia. Tại thời điểm đó, hình ảnh cuộc tuần hành đầu tiên tại San Antonio de Los Baños ở Cuba đã được đăng tại Mỹ bởi tài khoản có tên Yusnaby và nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ lại.
Nhà phân tích này tiết lộ rằng khi phân tích từ khóa bắt đầu bằng dấu # của chiến dịch thông tin giả mạo, điều đáng chú ý nhất là sự lặp lại của các dòng tweet y hệt nhau, dẫn chứng sự tồn tại của những mô hình máy tính tự động đã sản sinh ra hàng trăm nghìn tweet cùng lượng người theo dõi tương tự.
Một yếu tố hiển nhiên khác của chiến dịch này chính là việc sử dụng rộng rãi các tài khoản ma trận rất phổ biến trong những chiến dịch thông tin giả quốc tế khác, ví dụ như cuộc đảo chính gần đây ở Bolivia.
Kênh TeleSur cho biết thêm cuộc điều tra của ông Julian Macias Tovar đã xác nhận lời tố cáo của giới chức Cuba rằng đây là một chiến dịch được lên kế hoạch từ trước trên không gian mạng nhằm chống lại chính phủ, nhân dân và cách mạng Cuba.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez ngày 12/7 tuyên bố các "thế lực đánh thuê" đã kích động sự bất ổn trước thềm các cuộc biểu tình hồi cuối tuần vừa qua, với một chiến lược tuyên truyền được ngụy trang bằng chiến dịch truyền thông xã hội kêu gọi viện trợ nhân đạo.
Phát biểu trên truyền hình, Ngoại trưởng Rodriguez nêu rõ: "Tại Cuba, không hề có cuộc nổi dậy nào trong xã hội, đó là sự náo loạn, mất trật tự, do chiến dịch truyền thông đã được chuẩn bị trong một thời gian và nhằm vào hàng triệu người".