Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc - quốc gia từng kiểm soát thành công đại dịch và hầu như không ghi nhận ca nhiễm nào sau đợt bùng dịch đầu tiên ở Vũ Hán - đang ghi nhận số ca mắc hàng ngày tăng vọt và cao kỷ lục. Chỉ riêng ngày 3/4, Thượng Hải đã ghi nhận 9.006 ca mắc mới khi thành phố này tổng lực xét nghiệm cho 25 triệu dân. Với nỗ lực “nhổ tận gốc” ca nhiễm, toàn bộ người dân trong thành phố đang bị hạn chế đi lại để ngăn virus lây lan.
Theo hãng Tân Hoa, Trung Quốc đã điều động hàng nghìn nhân viên y tế từ khắp đất nước đến Thượng Hải vào hôm 3/4 để hỗ trợ thành phố xét nghiệm COVID-19 cho người dân trên toàn thành phố. Quân đội Trung Quốc cũng đã huy động hơn 2.000 quân y đến hỗ trợ kiểm soát dịch ở Thượng Hải.
Các doanh nghiệp và một số nhà máy vẫn đóng cửa. Gigafactory - nhà máy ở Thượng Hải của Tesla và là nhà máy đầu tiên bên ngoài Mỹ của công ty - bước vào tuần thứ hai bị gián đoạn hoạt động. Ảnh hưởng của dịch bệnh tại Thượng Hải cũng khiến giới chức lo ngại cảng Thượng Hải - cảng container lớn nhất thế giới sẽ bị ảnh hưởng, gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó, sự xuất hiện của biến thể mới – chủng phụ của Omicron có khả năng lây lan nhanh – đang làm phức tạp thêm tình hình. Một bệnh nhân COVID-19 ở cách Thượng Hải khoảng 64km đã được chẩn đoán mắc chủng virus mới phát triển từ biến thể phụ BA.1.1 của Omicron, tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn dữ liệu giải trình tự từ các cơ quan y tế địa phương. Báo cáo cho biết biến thể phụ này không giống với các chủng virus khác ở Trung Quốc, cũng không có đặc điểm nào tương đồng với các chủng được gửi tới Cơ sở Dữ liệu toàn cầu GISAID để giải trình tự gien và giám sát.
Một ca COVID-19 ở thành phố Đại Liên, miền Bắc Trung Quốc, ngày 1/4 cũng báo cáo nhiễm chủng virus mới không giống với bất kỳ chủng virus SARS-CoV-2 nào được phát hiện ở Trung Quốc, chính quyền thành phố Đại Liên thông tin trên tài khoản WeChat chính thức.
Khi số ca nhiễm tăng mạnh, Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan, người phụ trách COVID-19 đã đến Thượng Hải – tâm dịch mới trong đợt dịch lần này, để chỉ đạo công tác chống dịch. Bà Tôn Xuân Lan đánh giá việc duy trì hoạt động bình thường với các chức năng cốt lõi để ứng phó với đại dịch COVID-19 tại Thượng Hải là khó khăn và thách thức lớn. Cần phải nâng cao khả năng xét nghiệm axit nucleic, sàng lọc những người nhiễm bệnh càng sớm càng tốt để nhanh chóng cắt đứt chuỗi lây truyền của virus. Bà đã yêu cầu giới chức địa phương ngăn chặn sự bùng phát càng sớm càng tốt.
Những nỗ lực này cho thấy Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược “không COVID” bất chấp áp lực mới. Các chuyên gia đánh giá làn sóng Omicron hiện nay có mức độ lây nhiễm mạnh với quy mô lớn, là đợt dịch nghiêm trọng nhất kể từ sau đợt dịch ở Vũ Hán. Sự xuất hiện của biến chủng mới lại càng đe dọa công tác phòng dịch của quốc gia này. Nguồn lực y tế của Trung Quốc, đặc biệt là những loại vaccine và thuốc điều trị hiệu quả hơn vẫn còn hạn chế. Nếu nới lỏng các biện pháp phòng dịch, hệ thống y tế sẽ chịu thêm gánh nặng, gây ra những tổn thất về kinh tế càng nghiêm trọng hơn.
Song một bằng chứng khác cho thấy Bắc Kinh đang lên kế hoạch thoát khỏi chiến lược không COVID-19, vốn đã khiến nước này bị cô lập khi nhiều quốc gia trên thế giới tiến hành mở cửa. Trung Quốc đã phê duyệt 2 loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA để bắt đầu thử nghiệm lâm sàng. Theo giới chuyên gia, các loại vaccine hiệu quả được coi là “chìa khóa” giúp Trung Quốc có thể bình thường hóa và giảm số ca tử vong.
Trung Quốc là quốc gia cuối cùng trên thế giới còn duy trì chiến lược “không khoan nhượng” với COVID-19, sau khi các quốc gia – gồm Singapore, Australia, New Zealand - từng theo đuổi chính sách tương tự đã bắt đầu mở cửa khi tỉ lệ tiêm chủng đạt đến mốc phù hợp.
Trong khi đó, câu chuyện đối phó với đại dịch ở Hong Kong đã đưa ra bài học cảnh giác cho các quan chức đại lục. Từng là khu vực đối phó thành công COVID-19, Hong Kong đã trở thành nơi có tỉ lệ tử vong cao nhất thế giới. Thành phố này đã không phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt cho người dân, bất chấp sự thúc giục của bắc Kinh, khiến số ca nhiễm nhanh chóng bùng phát lên hàng chục nghìn người chỉ trong vài ngày. Điều này đã gây ra làn sóng tử vong cao chưa từng thấy trong cộng đồng người cao tuổi chưa được tiêm phòng.
Tỉ lệ tiêm phòng cho người cao tuổi của Trung Quốc đại lục cao hơn Hong Kong, nhưng vẫn thấp so với tỉ lệ toàn cầu. Theo giới chức, tính đến ngày 18/3, chỉ hơn một nửa trong số những người 80 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19.
Số liệu thống kê của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 3/4, Trung Quốc đại lục phát hiện 13.287 ca nhiễm mới cả có triệu chứng và không triệu chứng, con số cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào 2 năm trước.