Ở thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán (Hồ Bắc), Trung Quốc chọn cách tiếp cận quyết đoán để kiểm soát virus, từ đóng cửa toàn bộ thành phố đến kiểm soát chặt biên giới để giữ mức lây nhiễm thấp. Giới chức Trung Quốc tiếp tục áp dụng chiến lược này trong xử lý các ổ dịch bùng phát sau đó, mới nhất là ở Nam Kinh thuộc tỉnh Chiết Giang. Toàn bộ 9,3 triệu dân tại thành phố này đã bị đặt trong tình trạng bán phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ. Chính quyền cấm hoạt động tiếp xúc trực tiếp về giao thương và xã hội, các địa điểm lân cận thuộc diện nguy cơ cao bị phong tỏa chặt.
Tuy nhiên, ở nhiều thành phố khác, số ca mắc mới tiếp tục gia tăng trong tuần này do sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Bùng phát lây nhiễm tại Trung Quốc lên mức cao nhất trong 6 tháng trở lại đây, khiến một số chuyên gia cho rằng cần phải hay đổi chiến lược ngăn ngừa, kiểm soát COVID-19.
Trong tuyên bố được đưa ra hôm 29/7, Zhang Wenhong, chuyên gia dịch tễ hàng đầu tại Trung Quốc, nhận định ổ dịch tại Nam Kinh là bài thử nghiệm tầm quốc gia đầy căng thẳng, là mốc để định hình phương pháp đối phó dịch bệnh trong tương lai. Ông Zhang cảnh báo rằng nếu ổ dịch diễn biến xấu, chính quyền có thể phải cần đến các biện pháp mạnh tay hơn. Ổ dịch tại Nam Kinh tính đến ngày 29/7 đã ghi nhận 177 ca nhiễm.
Vị chuyên gia hàng đầu về dịch tễ tại Trung Quốc hối thúc người dân tiếp tục tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, ở trong nhà. Tuy nhiên, ông Zhang lần đầu tiên phát đi tín hiệu khác biệt so với cách tiếp cận chính thức của Trung Quốc, khi thừa nhận rằng cuối cùng cũng phải học cách sống chung với COVID-19.
“Dù chúng ta có muốn hay không, luôn có nguy cơ ở phía trước. Tất cả các nước đều đang phải gồng mình để tìm ra câu trả lời cho vấn đề sống chung với virus. Trung Quốc từng đưa ra được câu trả lời tuyệt vời, và sau ổ dịch Nam Kinh, chúng ta sẽ phải rút ra nhiều điều nữa”, ông Zhang nêu quan điểm.
Trên thế giới, chính phủ các nước đang đối mặt với thử thách lớn khi phải cân bằng được việc tái mở cửa kinh tế, xã hội với kiểm soát Delta – biến thể siêu lây nhiễm có thể gây bệnh nặng với người chưa tiêm vaccine và lây nhiễm cả với người đã tiêm đủ hai liều.
Nhiều khu vực ở châu Âu đã mở cửa đón khách du lịch có chứng nhận tiêm vaccine, nhưng cũng đã phải tái áp đặt các quy định hạn chế trong nội địa. Tại châu Á, Singapore đã phải thay đổi lộ trình thực thi chiến lược sống chung với COVID-19, sau khi ghi nhận số ca mắc mới cao kỉ lục liên quan đến ổ dịch tại các quán karaoke và cảng cá Jurong.
Tại Trung Quốc, nơi tính ưu việt của biện pháp “nhổ tận gốc” đối với COVID-19 được ca ngợi ở cả trong và ngoài nước, giới chức chính quyền dường như bắt đầu nhận ra tình thế lưỡng nan khi phải tính đến con đường phía trước. Hơn 50% dân số Trung Quốc đã được tiêm đủ liều, nhưng từng đó là chưa đủ, bởi các chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước này cho rằng phải nâng lên mức 80% mới đủ để đạt miễn dịch cộng đồng.
Theo Dong-Yan Jin, chuyên gia virus học tại Đại học Hong Kong, Trung Quốc sẽ không thay đổi cách tiếp cận “nhổ tận gốc” và sẽ vẫn theo đuổi mục tiêu đưa số ca nhiễm về số 0. Một số nước đang tìm cách thoát khỏi chiến lược đưa số ca lây nhiễm về số 0, như trường hợp của Singapore. Nhưng hiện không rõ Trung Quốc có thể thực hiện an toàn bước chuyển này không, vì chưa thể xác định được chính xác mức độ hữu hiệu của hai loại vaccine chính là Sinopharm và Sinovac được dùng cho chiến dịch tiêm chủng ở đại lục.
Ổ dịch tại Nam Kinh bùng phát tại sân bay quốc tế Lộc Khẩu, nơi phần lớn các nhân viên, người lao động đã được tiêm vaccine. Liền sau đó, các ca nhiễm có liên quan đến ổ dịch này đã xuất hiện ở ít nhất 11 thành phố tại 6 tỉnh, thành ở Trung Quốc. Giới chức chính quyền cho biết chỉ có một số ít ca diễn tiến nặng và đến lúc này chưa ghi nhận ca tử vong nào.