Mỗi thỏa thuận trao đổi vaccine lại mang một điều kiện khác nhau, là sự thống nhất phù hợp giữa 2 quốc gia.
Australia
Ngày 3/9, thỏa thuận trao đổi 4 triệu vaccine Pfizer từ Anh sang Australia đã được công bố. Trước đó, Australia cũng đạt thỏa thuận trao đổi vaccine COVID-19 với Singapore và Ba Lan nhằm giải bài toán thiếu vaccine Pfizer tại “xứ sở chuột túi”.
Thủ tướng Scott Morrison cho biết nước này chủ trương thực hiện thêm nhiều thỏa thuận trao đổi vaccine COVID-19 với các chính phủ khác.
Singapore đã chuyển 500.000 liều vaccine Pfizer cho Australia trong ngày 2/9. Theo thỏa thuận, Australia phải trả lại cho Singapore và Anh số lượng vaccine tương tự trong tháng 12 tới.
Đối với Ba Lan, Australia đã chi tiền để mua 1 triệu liều Pfizer của nước này. Cả hai bên chưa tiết lộ mức giá đưa ra.
Hàn Quốc
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin vào ngày 1/9, nước này xác nhận sẽ nhận 1,5 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna từ Romania. Theo đó, Hàn Quốc mua 1,05 triệu liều vaccine Pfizer của Romania, trong khi 450.000 liều Moderna sẽ được Seoul trao đổi bằng thiết bị y tế cho Bucharest.
Giới chức y tế Hàn Quốc đánh giá: “Hợp tác vaccine nằm trong nỗ lực toàn cầu để tăng cường đoàn kết và hiệu quả xử lý đại dịch”.
Vào tháng 7, Hàn Quốc cũng nhận 700.000 liều Pfizer từ thỏa thuận trao đổi vaccine COVID-19 với Israel. Đến tháng 9 và tháng 10, Hàn Quốc sẽ trả lại số lượng vaccine tương tự cho Israel.
Những liều Pfizer được Israel chuyển giao đều có hạn sử dụng vào cuối tháng 7. Phía Hàn Quốc trong khi đó lập tức tiêm cho người dân số vaccine này. Quan chức cả hai nước khẳng định đây là thỏa thuận với đôi bên cùng có lợi.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Young-sam nêu rõ: "Thỏa thuận trao đổi này dựa trên quan điểm chung của mọi quốc gia, bao gồm Hàn Quốc và Israel, đó là không nên lãng phí kể cả 1 giọt vaccine".