Chiến tranh, giết người gia tăng vì... nóng

Một bài nghiên cứu đăng trên tờ Science (Mỹ) mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng chiến tranh, giết người và các hành vi bạo lực khác có thể sẽ trở nên phổ biến hơn trong những thập kỉ tới khi những tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ khiến con người nổi nóng trên phạm vi toàn thế giới.

Bản nghiên cứu chỉ ra sự nóng lên toàn cầu có thể làm gia tăng chiến tranh.


Nhằm tạo ra một bức tranh rõ nét hơn về việc những thay đổi của nhiệt độ và lượng mưa, liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu, tác động như thế nào đến hành vi giận dữ của con người, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu, tổng hợp những phát hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ khảo cổ học cho đến kinh tế học.

Những kết quả của bài nghiên cứu chỉ ra ngoài việc làm dâng mực nước biển và tạo ra các sóng nhiệt, biến đổi khí hậu còn dẫn đến một hậu quả lớn khác: sự giận dữ.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng ngay cả những sự thay đổi dù là rất nhỏ trong nhiệt độ thông thường hoặc lượng mưa, về căn bản cũng làm tăng nguy cơ xung đột ở nhiều cấp độ khác nhau, từ những vụ hành hung cá nhân như giết người hay cưỡng hiếp cho đến những bất ổn chính trị ở cấp quốc gia và các cuộc chiến tranh quốc tế.

Dữ liệu của bài nghiên cứu phổ quát trên toàn bộ các khu vực lớn của thế giới, ở những thời điểm khác nhau trải dài từ hàng giờ, hàng năm, đến hàng thập kỉ, thế kỉ. Theo dữ liệu này, các nhà nghiên cứu tìm thấy những biểu đồ tương tự cho thấy hành vi bạo lực của con người bị các nhân tố khí hậu chi phối.

Sự lặp lại của lịch sử

Thời điểm nền văn minh Maya sụp đổ có xảy ra chiến tranh và hạn hán kéo dài. 


Điều kì thú là những tác động này không chỉ giới hạn ở các xã hội hiện đại. Chúng còn được ghi nhận trong các xã hội cổ đại của loài người.

Một tài liệu được sử dụng trong nghiên cứu mới này đã chỉ ra việc gia tăng bất ổn chính trị và chiến tranh của nền văn minh Maya cổ đại quanh thời điểm năm 900 sau công nguyên có liên hệ với những trận hạn hán kéo dài, kết quả của sự thay đổi khí hậu liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu ở các vùng đất gần Thái Bình Dương.

“Đó là thời kì mà nền văn minh Maya kết thúc”, đồng tác giả của bài nghiên cứu ông Edward Miguel, giáo sư kinh tế học của trường đại học California, Berkeley nói.

Trong khi đó, một tài liệu khác cũng cho thấy sự sụp đổ của nền văn minh Khmer cổ đại ở Campuchia vào thế kỉ 14 cũng có kết nối với nhiều thập kỉ hạn hán xen lẫn với những trận mưa gió mùa rải rác, trút xuống dồn dập.

Tác giả thứ nhất của bài nghiên cứu, ông Solomon Hsiang,  nhà kinh tế học của trường đại học Princeton ở New Jersey, Mỹ cho biết: “Các nhà khảo cổ học thật sự có thể nhận thấy các kĩ sư người Khmer đã cố gắng để thích nghi. Họ đã cố để bắt kịp với những thay đổi của khí hậu, nhưng cuối cùng, cho dẫu họ là những kĩ sư về nguồn nước hàng đầu trong khu vực vào thời điểm đó, dường như đó vẫn là một công việc quá sức với họ”.

Hsiang cho biết nhóm của ông đã kết hợp những trường hợp nghiên cứu lịch sử này vào bản phân tích để hiểu được các nhóm dân cư trên đã thích nghi hoặc không thích nghi được với những loại hình thay đổi từ từ của khí hậu như thế nào.

Theo Hsiang, có thể thấy trong số “nhiều nền văn minh đã khuất phục trước những biến đổi khí hậu có những xã hội phát triển nhất trong khu vực hoặc trên hành tinh vào thời đại đó và có thể họ từng cảm thấy rằng họ có thể giải quyết bất kì vấn đề gì…”.

Tại sao sự nóng lên lại làm con người nổi giận?

Biến đổi khí hậu làm gia tăng bao lực.


Ông Brad Bushman, giáo sư giao tiếp và tâm lý học ở đại học bang Ohio, chuyên nghiên cứu sự nóng giận và bạo lực của con người đánh giá bản nghiên cứu mới là một bản nghiên cứu “ấn tượng”, mặc dù nó vẫn chưa giải đáp được thắc mắc tại sao sự nóng lên toàn cầu lại gây ảnh hưởng tới con người.

Theo giáo sư Bushman, những thay đổi lớn ở nhiệt độ và lượng mưa không hề dễ chịu và một cách tự nhiên nó khiến con người trở nên gàn dở hơn bình thường. “Khi con người ở trong một trạng thái lạ, họ có thể cư xử một cách giận dữ”, ông nói.

Một giả thuyết khác cho rằng việc có quá nhiều hay quá ít lượng mưa đều có thể tác động tiêu cực đến nông nghiệp của một quốc gia và dẫn đến hậu quả về kinh tế.

“Khi các cá nhân có rất ít thu nhập hoặc nền kinh tế của khu vực sụp đổ, nó sẽ làm thay đổi động cơ của con người trong việc tham gia vào nhiều hoạt động. Và một hoạt động mà họ có thể tham gia là gia nhập một nhóm chiến đấu”, Hsiang nói.


A.M
(Theo National Geographic)
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới 1/10 dân số thế giới

Nếu tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính không suy giảm, đến cuối thế kỷ này, cứ 10 người dân trên thế giới thì có 1 người phải sống ở khu vực mà mùa màng, nguồn nước, hệ sinh thái và sức khỏe bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN