Viễn cảnh gây sốc này được một nhóm các nhà nghiên cứu dự án Khoa học và An ninh toàn cầu tại Đại học Princeton (Mỹ) công bố mới đây sau khi mô phỏng một cuộc đối đầu vũ khí hạt nhân phi chiến thuật quy mô nhỏ giữa 2 cường quốc là Mỹ và Nga.
Theo tạp chí quân sự The National Interest, đoạn video mô phỏng các tên lửa nhỏ trên bản đồ lục địa gây ra các vụ nổ xóa sổ nhiều thành phố và quốc gia. Theo đó, cuộc leo thang hạt nhân được mô phỏng dựa trên tình hình, mục tiêu và ước tính tử vong của sức mạnh hạt nhân thực tế. Ước tính sẽ có hơn 90 triệu người thương vong trong vài giờ đầu tiên của cuộc xung đột.
Video cũng nhấn mạnh những quan ngại mà các chuyên gia đề cập đến trong nhiều năm. Một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô nhỏ rất có thể sẽ diễn ra. Bất kỳ việc sử dụng vũ khí nguyên tử nào cũng sẽ trở thành thảm họa, thậm chí là kết thúc cả nền văn minh của nhân loại.
Nhóm các nhà khoa học Princeton đã dựa vào bản đồ tương tác NukeMap để mô phỏng một vụ tấn công nguyên tử mà nhà sử học Alex Wellerstein phát triển.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới mà vấn đề vũ khí hạt nhân luôn được đặt lên hàng đầu, hầu hết mọi người đều có thể tưởng tượng ra hậu quả khủng khiếp mà vũ khí hạt nhân gây ra”, ông Well Wellstein nói.
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân ngày càng tăng lên trong 2 năm qua khi Mỹ và Nga xé bỏ các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân lâu năm để bắt đầu phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới, mở rộng nguy cơ họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Là một phần trong cuộc leo thang chiến lược mở rộng giữa hai cường quốc, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã chuyển sang phát triển vũ khí hạt nhân mới với sức công phá nhỏ hơn và bắt đầu viết học thuyết về việc sử dụng chúng ngay cả trong trường hợp mối đe dọa là phi hạt nhân.
Chuyên gia Deverrick Holmes nhận định đây là một ý tưởng tồi. Chiến tranh hạt nhân giới hạn hoàn toàn có thể đẩy đến mức độ hủy diệt cao nhất. Sẽ là một điều sai lầm khi chúng ta nghĩ rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân quy mô nhỏ có thể ngăn chặn leo thang chiến tranh toàn cầu.