Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 7-16/1, với sự tham gia của 480 công ty quy mô vừa và lớn trả lời câu hỏi về chi phí đầu tư và các vấn đề kinh doanh. Theo khảo sát này, các biện pháp thuế quan trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với tình trạng bất ổn tiếp đó đã bắt đầu cản đà tăng trưởng toàn cầu đồng thời gây tổn hại cho các công ty Nhật Bản, đặc biệt là những công ty hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. Nhiều công ty e ngại về chi phí đầu tư, vốn là một điểm sáng trong nền kinh tế Nhật Bản trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu bùng phát năm ngoái.
Giám đốc của một công ty chế tạo máy cho biết mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng đến công ty này, vì vậy công ty đang cắt giảm đầu tư vốn cho đến khi có triển vọng tích cực. Kể từ đầu năm 2019, hãng sản xuất động cơ Nidec Corp và nhà sản xuất thiết bị tự động hóa Yaskawa Electric Corp đều giảm dự báo lợi nhuận hằng năm do nhu cầu suy giảm từ thị trường Trung Quốc.
Giám đốc một công ty chế tạo máy khác cho rằng sự bất ổn của kinh tế toàn cầu là nguyên nhân khiến một số nhà đầu tư Nhật Bản e dè. 52% số công ty tham gia khảo sát cho hay sẽ giữ nguyên mức đầu tư trong năm tài khóa sắp tới, trong khi 12% sẽ cắt giảm chi phí đầu tư. Khoảng 22% dự định tăng đầu tư và 14% có dự định tương tự song chỉ ở mức vừa phải.
Cũng theo khảo sát, khoảng 40% doanh nghiệp Nhật Bản nhận định có khả năng xung đột thương mại và chủ nghĩa bảo hộ ảnh hưởng đến các kế hoạch doanh số và lợi nhuận trong năm tài khóa tới. Riêng khu vực chế tạo có khoảng 50% số công ty bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều công ty trên toàn cầu đang rậm rịch rút dây chuyền sản xuất và cung ứng ra khỏi Trung Quốc và tìm kiếm các cơ sở mới an toàn tại các nước châu Á láng giềng, đồng thời xây dựng các chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc. Kháo sát của Reuters cho thấy 25% số công ty tham gia khảo sát và hơn 30% công ty chế tạo Nhật Bản có ý định xem xét lại chuỗi cung ứng trong năm tài khóa tới.
Trong khi đó, một khảo sát của Ngân hàng trung ương Nhật Bản, thực hiện vào tháng 12/2018, cho thấy vốn đầu tư tại một số doanh nghiệp lớn của nước này đã tăng trung bình 14,3% trong năm tài khóa hiện tại kết thúc vào tháng 3 tới, và đây là mức cao nhất kể từ năm 1990, thời điểm cuối của thời kỳ bong bóng kinh tế tại Nhật Bản.