Kênh CNBC (Mỹ) đưa tin Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia là những quốc gia đang nỗ lực đa dạng kinh tế tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu tại Viện Yusof Ishak (Singapore) Termsak Chalermpalanupap nhận xét rằng đẩy mạnh thương mại trong châu Á là một trong những nguyên nhân khiến Nhật Bản, Hàn Quốc cùng Australia chú ý đến các quốc gia láng giềng. trong đó nổi bật là Ấn Độ.
Ông Harsh Pant cho biết chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đồng nghĩa với việc các quốc gia châu Á không còn theo đuổi truyền thống cũ và tìm đến nhân tố mới như Ấn Độ với tiềm năng là đối tác kinh tế.
Chính phủ Australia trong tháng 7 đã công bố “Chiến lượng Kinh tế Ấn Độ” với kỳ vọng khiến New Delhi là một trong 3 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Canberra.
Trong khi đó, năm 2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề cập tới “Chính sách phương Nam” tập trung đầu tư vào mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á. Tổng thống Moon Jae-in trong tháng 7 khẳng định Ấn Độ mặc dù không thuộc Đông Nam Á nhưng được Hàn Quốc kỳ vọng là “đối tác then chốt” trong “Chính sách phương Nam” của Seoul.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến đến thăm Ấn Độ trong tuần đầu tháng 11 và đã cam kết khiến New Delhi trở thành trục trong kế hoạch Ấn Độ-Thái Bình Dương năm 2016 của ông có nội dung thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển tại các thị trường châu Á, châu Phi.
Ngày 22/10, Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Kenji Hiramatsu khẳng định các lĩnh vực hợp tác chính giữa hai quốc gia này là hàng hải, cải thiện quan hệ quốc phòng.
Ông Dhruva Jaishankar tại Viện Nghiên cứu Brookings ở Ấn Độ còn cho rằng việc Trung Quốc sử dụng kinh tế phục vụ cho mục đích chính trị cũng là một nhân tố khiến các quốc gia châu Á hướng tới Ấn Độ.
Ông Jaishankar lấy ví dụ là trong tranh chấp lãnh thổ năm 2010, Trung Quốc đã ngưng xuất khẩu kim loại đất hiếm tới Nhật Bản và gần đây nhất, Bắc Kinh cũng trừng phạt các công ty của Seoul do vấn đề Hàn Quốc để Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Diễn biến mới này được dự đoán sẽ tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế của Ấn Độ cũng như chính sách của Thủ tướng Narendra Modi khiến quốc gia này trở thành đối tác lý tưởng cho các nước châu Á.
Tuy nhiên, ông Jaishankar đánh giá thực tế Ấn Độ còn chưa vững trong đàm phán thỏa thuận thương mại và tự do hóa kinh tế chưa cân đối sẽ là những chướng ngại vật ngăn New Delhi tận dụng cơ hội mới khi các quốc gia lớn của châu Á xích lại gần.