Bày tỏ hoan nghênh về quyết định của Tòa án Hiến pháp, Bộ trưởng Môi trường Chile Marcela Cubillos cho biết: "Đây là giai đoạn cuối cùng để dự luật này chính thức được ban hành thành luật". Khi dự luật này được ban hành, các cửa hàng có 6 tháng để ngừng việc sử dụng túi nilon, thời gian này đối với một số doanh nghiệp nhỏ sẽ là 1 năm.
Dự luật đã được Quốc hội thông qua từ ngày 1/6, song tuần trước Hiệp hội Nhựa công nghiệp (Asipla) đã nộp đơn phản đối, cho rằng dự luật trên là vi hiến. Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp đã bác đơn phản đối này.
Rác thải nhựa đe dọa môi trường. Ảnh minh họa: EPA/TTXVN |
Chile vốn là một trong những nước dẫn đầu Mỹ Latinh về phản đối sử dụng túi nilon. Năm 2014, chính phủ nước này đã cấm sử dụng túi nilon ở Patagonia. Năm ngoái, lệnh cấm này đã được mở rộng ra các khu vực duyên hải. Theo thống kê, mỗi năm Chile thải ra môi trường khoảng 3,4 tỷ túi nilon, tương đương 200 chiếc/người.
Gần đây, cộng đồng quốc tế đã quan tâm hơn tới các vấn đề môi trường liên quan đến các loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Năm 2017, Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua một nghị quyết không có tính chất bắt buộc yêu cầu ngăn để rác thải nhựa bị vứt ra các đại dương. Sở hữu nền đa dạng sinh học lớn nhất trên thế giới, các nước Mỹ Latinh và Caribe cũng chú trọng bảo vệ môi trường trước hiểm họa rác thải nhựa vì là khu vực dễ bị tổn thương do loại rác thải này. Theo số liệu của LHQ, diện tích biển rộng 16 triệu km2 của khu vực Mỹ Latinh và Caribe là nơi sinh trưởng của 1/4 lượng cá trên thế giới.
Đảo quốc Antigua và Barbuda ở Caribe là những quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm túi nilon trong năm 2016. Cùng năm này, Colombia cũng đã cấm sử dụng các loại túi nilon cỡ nhỏ, sau đó tiếp tục áp thuế đối với việc sử dụng loại túi cỡ lớn vào năm 2017. Ecuador cũng siết chặt các quy định về sử dụng túi nilon, ống hút và chai nhựa quanh Khu vực Di sản Thế giới và khu bảo tồn sinh quyển Galapagos Islands. Trong khi đó, Panama là quốc gia đầu tiên ở khu vực Trung Mỹ công bố lệnh cấm hoàn toàn túi nilon từ tháng 1, song các doanh nghiệp có tới 2 năm để chuẩn bị cho việc thực thi chỉ thị này. Hiện đã có 3 thành phố lớn nhất của Mỹ Latinh là Mexico City (Mexico), Buenos Aires (Argentina) và Sao Paolo (Brazil) cũng đã đưa ra các lệnh cấm đối với túi nilon.
Nạn ô nhiễm rác thải nhựa sử dụng một lần, không thể phân hủy hoặc khó phân hủy đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của LHQ, mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, trong khi mỗi năm có đến 5.000 tỷ túi nilon dùng một lần được sử dụng. Tổng cộng có một nửa số sản phẩm nhựa là loại chỉ để dùng một lần, từ ống hút, dây câu cá tới tã trẻ em hay túi bọc đồ. Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Loại chất dẻo này chiếm 10% tổng lượng chất thải hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người.
Theo công bố của Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy, 90% lượng rác thải trôi nổi trên biển là rác thải nhựa gồm vỏ bánh kẹo, chai lọ nhựa, túi nilon, thìa, dĩa, ống hút… Trong số đó, 70-80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ đất liền, của các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp ven biển, xả thẳng ra sông, ra biển, không qua xử lý.
Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất và một phần lớn trong số đó sẽ kết thúc ở các đại dương nơi mà chúng sẽ "trôi nổi" trong nhiều thế kỷ. Như vậy, theo một kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và Công ty Tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025, cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương.
Điều đáng sợ là khi đã lọt ra biển, rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Khi đó, rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại về môi trường, mà còn gây tổn thất lớn cho cả kinh tế lẫn sức khỏe người dân. Người ta ước tính, mỗi năm chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh 4 vòng Trái Đất, và nó có thể tồn tại 1.000 năm trước khi tiêu hủy hoàn toàn.