Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, phát biểu trong một hoạt động ở Phủ Tổng thống La Moneda, ông Piñera cho biết các chuyên gia đang thực hiện một loạt các nghiên cứu khoa học để xác định liệu mũi tiêm ngừa COVID-19 thứ 3 có thực sự cần thiết hay không. Ngay sau khi kết thúc quá trình nghiên cứu, cơ quan chức năng sẽ đưa ra đề xuất để Bộ Y tế sớm có quyết định cuối cùng với mục tiêu lớn nhất là bảo vệ sức khỏe của người dân.
Theo Tổng thống Piñera, khả năng tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ 3 cũng đã được xem xét ở nhiều nước nhằm đối phó với các biến thể mới của virus gây bệnh này. Dự kiến, nếu được áp dụng thì người dân Chile sẽ bắt đầu được đăng ký tiêm mũi thứ 3 kể từ tháng 9 tới, đặc biệt là đối với những người đã tiêm chủng trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3 vừa qua. Hiện trường Đại học Công giáo Chile đang là đơn vị chịu trách nhiệm xem xét hiệu quả miễn dịch ở những người đã tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc.
Thống kê chính thức cho thấy hiện 79,5% người dân Chile đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 62,9% đã tiêm đủ liều 2 mũi theo chỉ định. Chile đến nay đã ghi nhận hơn 1,5 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 31.114 trường hợp tử vong.
Tại châu Phi, Tổng thống Nigeria đã yêu cầu Quốc hội của nước này phê duyệt 895,8 tỷ naira (2,18 tỷ USD) ngân sách bổ sung để tài trợ mua vaccine COVID-19 và thiết bị quân sự.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Chính phủ Nigeria cho biết nước này sẽ lập ngân sách bổ sung để trang trải chi phí cho việc tiêm chủng COVID-19, vốn không được đưa ra trong dự luật tài chính năm 2021 được thông qua vào tháng 12 vừa qua. Tổng thống Muhammadu Buhari đã đề xuất dành 45,63 tỷ naira trong số 83,56 tỷ naira cần thiết để mua vaccine ngừa COVID-19 bằng cách sử dụng các khoản vay tổng trị giá 113,22 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới cũng như các khoản tài trợ khác.
Trong thông điệp này, ông Buhari cho biết số vaccine COVID-19 và các điều khoản mua sắm vẫn chưa chắc chắn vào thời điểm quyết toán ngân sách năm 2021. Bộ Y tế và cơ quan chăm sóc y tế ban đầu của Nigeria đã phát triển một chương trình COVID-19 với ý định tiêm chủng cho 70% người Nigeria đủ điều kiện trong năm nay và năm 2022.