Cuộc đàm phán bắt đầu 21h00 ngày 19/5 giờ địa phương (tức 2h sáng 20/5 giờ Việt Nam) tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Khartoum.
Theo hãng tin Reuters, trước đó hai bên đều đã phát tín hiệu gần đạt được một thỏa thuận về giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 năm, tuy nhiên, cuộc đàm phán kéo dài hơn 6 giờ đồng hồ đêm 19/5 không đạt bước đột phá nào. Dự kiến đàm phán sẽ được nối lại vào tối 20/5.
Trên mạng xã hội Twitter, Hiệp hội Nhà nghề Sudan (SPA), lực lượng đầu tiên phát động chiến dịch biểu tình dẫn tới việc quân đội phế truất Tổng thống Omar al-Bashir tháng trước, cho biết đàm phán vẫn tập trung vào việc thành lập chính quyền chuyển tiếp. Lực lượng này không vội vàng để đạt được chiến thắng quan trọng, và cho rằng dù kết quả thế nào thì việc nối lại đàm phán cũng là một bước tiến. Trước thềm cuộc đàm phán, lực lượng biểu tình Liên minh vì tự do và thay đổi (AFC) do SPA đứng đầu yêu cầu chính quyền mới phải do một nhân vật dân sự đứng đầu và với đại diện hạn chế của quân đội.
Trước đó, ngày 16/5, TMC thông báo tạm ngừng trong 72 giờ các cuộc thương lượng với lực lượng biểu tình về việc thiết lập chính quyền dân sự tại nước này, sau khi xảy ra các vụ bạo lực xung quanh các địa điểm biểu tình ở Khartoum. Chủ tịch TMC Abdel-Fattah Al-Burhan cho biết việc tạm ngừng các cuộc đàm phán là để "tạo không khí hoàn tất thỏa thuận". Ông Burhan yêu cầu lực lượng biểu tình ngừng phong tỏa các tuyến đường ở thủ đô Khartoum, mở thông cầu đường kết nối thủ đô với các địa phương khác và chấm dứt các hành động quá khích nhằm vào lực lượng an ninh.
Quân đội Sudan đã phế truất Tổng thống Omar al-Bashir vào ngày 11/4 vừa qua, sau làn sóng biểu tình phản đối chính phủ. Tiếp đó, quân đội thành lập TMC điều hành đất nước trong giai đoạn chờ thành lập và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn. Lực lượng biểu tình yêu cầu tiến hành chuyển giao ngay quyền lực cho chính quyền dân sự. Ngày 24/4 vừa qua, TMC và lực lượng biểu tình đã nhất trí về một giai đoạn chuyển tiếp 3 năm trước khi tiến hành bầu cử. Tuy nhiên, cho đến nay, hai bên vẫn chưa thống nhất về thành phần trong một hội đồng sẽ nắm quyền lãnh đạo. TMC cho rằng hội đồng mới này phải do quân đội kiểm soát, trong khi lực lượng biểu tình yêu cầu thành phần dân sự phải chiếm đa số trong hội đồng này.