Tuyên bố này được đưa ra sau khi xuất hiện các thông tin nói rằng HSBC, Barclays và các ngân hàng lớn khác cho phép giao dịch một số tiền lớn bị cho là bất hợp pháp bất chấp những cảnh báo về nguồn gốc của số tiền này.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Chính phủ Anh nêu rõ: "Các tội phạm không thể kiếm lợi từ các hoạt động phi pháp trong bất kỳ trường hợp nào, và trong những năm gần đây, chúng tôi đã thực thi hành động mạnh mẽ để truy quét tiền bẩn".
Trước đó, các phương tiện truyền thông như BuzzFeed và BBC đưa tin một loạt ngân hàng lớn dường như đã "dung túng" cho nạn rửa tiền, dựa trên các báo cáo về hoạt động đáng ngờ (SAR) do các ngân hàng nộp cho Mạng lưới Chống tội phạm tài chính (FinCen) bị rò rỉ. Cơ quan này thuộc Bộ Tài chính Mỹ, có nhiệm vụ chuyên thu thập và phân tích thông tin về các giao dịch tài chính nhằm đối phó tình trạng rửa tiền trong nước và quốc tế, tài trợ khủng bố cùng nhiều hình thức tội phạm tài chính khác.
Hồ sơ FinCen bị rò rỉ bao gồm hơn 2.650 tài liệu, tâm điểm là 2.100 báo cáo về SAR với các giao dịch có giá trị hơn 2.000 tỷ USD giai đoạn 1999-2017. SAR không phải bằng chứng về sai phạm, mà các ngân hàng nộp SAR cho nhà chức trách nếu họ nghi ngờ khách hàng có thể có hành vi rửa tiền, phạm tội hoặc các hoạt động phạm pháp khác.
Mặc dù vậy, tài liệu mật bị rò rỉ cho thấy một số ngân hàng lớn vẫn cho phép thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các cá nhân/tổ chức ngay cả khi có các dấu hiệu bất chính. Những tên tuổi ngân hàng bị "nêu tên" có HSBC, Standard Chartered và Barclays của Anh, Deutsche Bank của Đức, JP Morgan Chase và Citigroup của Mỹ... Hồ sơ FinCen còn được chia sẻ với Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ)
Trước thông tin trên, một số ngân hàng đã lên tiếng phản hồi. JP Morgan Chase cho rằng việc tiết lộ các thông tin giao dịch của khách hàng là bất hợp pháp và ngân hàng luôn thực hiện các chính sách phù hợp với việc điều tra của cơ quan chức năng.
Trong khi đó, Deutsche Bank cho biết đây chỉ là những dữ liệu trong quá khứ và các vấn đề liên quan tới hoạt động của ngân hàng đã được các cơ quan quản lý biết đến. Về phần mình, HSBC khẳng định mọi thông tin liên quan tới SAR bị rò rỉ đã là quá khứ và ngân hàng này vẫn nỗ lực nâng cao năng lực đối phó với các tội phạm tài chính.
Nghi án chuyển tiền bất minh đã khiến giá cổ phiếu của HSBC và Standard Chartered trong phiên giao dịch ngày 21/9 lao dốc xuống mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua. Cụ thể, cổ phiếu HSBC niêm yết tại sàn giao dịch London (Anh) trượt 3,6% về mức thấp nhất được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, trong khi cổ phiếu của Standard Chartered niêm yết tại London cũng giảm tương ứng 3,6% về mức thấp nhất trong 22 năm qua. Cổ phiếu của Deutsche Bank cũng chung tình cảnh tương tự khi giảm tới 8,1%.