Bộ trưởng Tài chính Fernando Haddad cho biết theo kế hoạch, chính phủ sẽ chi 10 tỷ USD để tái thiết bang Rio Grande do Sul, nơi ít nhất 107 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương do lũ lụt trong những ngày gần đây. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ cũng đã cam kết cung cấp 1,1 tỷ USD để xây dựng lại cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các doanh nghiệp và các biện pháp giúp người dân giữ được việc làm.
Tượng Chúa Jesus trên đỉnh núi Corcovado ở Rio de Janeiro đã được thắp sáng tối 8/5 vừa qua để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong trận lũ lụt lịch sử này cùng với thông điệp kêu gọi quyên góp hỗ trợ nhiều hơn nữa. Giáo hoàng Francis đã gửi 100.000 euro (107.000 USD) để hỗ trợ những người phải sơ tán, trong khi tỷ phú Elon Musk tuyên bố công ty vệ tinh Starlink của ông sẽ hỗ trợ 1.000 thiết bị đầu cuối cho các đơn vị ứng phó khẩn cấp và sử dụng miễn phí tất cả các thiết bị đầu cuối cho đến khi khu vực này được phục hồi.
Hiện các đội cứu hộ tại Brazil đang chạy đua với thời gian để cung cấp viện trợ cho các cộng đồng bị lũ lụt ở miền Nam trước khi các cơn bão mới được dự báo sẽ tấn công khu vực một lần nữa. Người phát ngôn lực lượng phòng vệ dân sự chịu trách nhiệm cứu trợ thiên tai khẳng định trọng tâm vẫn là hoạt động cứu hộ nhưng nỗ lực này có thể bị cản trở trong những ngày tới khi mưa lớn có thể tái diễn từ ngày 10-12/5 tới.
Khoảng 400 thành phố đang chịu ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất từ trước đến nay ở bang Rio Grande do Sul. Ngoài những người thiệt mạng và bị thương, hơn 164.000 người cũng đã phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều người không có nước uống hoặc bị mất điện, thậm chí không có phương tiện để gọi trợ giúp do dịch vụ điện thoại và Internet không hoạt động. Hồi đầu tuần này, giới chức thành phố Porto Alegre cho biết chỉ có 2 trong số 6 nhà máy xử lý nước tại địa phương còn hoạt động và nhà chức trách đã phải sử dụng xe bồn để cung cấp nước cho các bệnh viện cũng như những nơi tránh trú tạm thời.
Đến nay, vẫn còn 134 người bị mất tích và gần 1,7 triệu người bị thiệt hại do lũ lụt, thảm họa thiên tai mà chính phủ và giới chuyên gia cho rằng có liên quan đến biến đổi khí hậu. Lực lượng cứu hộ phải dùng thuyền để di chuyển trên những tuyến phố đã bị biến thành sông để tìm những người có thể còn mắc kẹt trong các tòa nhà.
Thảm họa cũng đã làm hư hại hơn 60.000 ngôi nhà và tàn phá nền kinh tế của bang chủ yếu làm nông nghiệp vốn cung cấp hơn 60% lượng gạo tiêu thụ ở Brazil. Chính phủ Brazil cho biết sẽ nhập khẩu 200.000 tấn gạo để đảm bảo nguồn cung và ngăn chặn tình trạng đầu cơ.
Mực nước sông Guaiba ở Rio Grande do Sul chảy qua thành phố Porto Alegre thủ phủ của bang trong tuần này đã dâng cao lên các mức chưa từng thấy từ trước đến nay. Nhà chức trách cảnh báo 5 con đập có nguy cơ bị vỡ.