Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chỉ nhận được sự ủng hộ của 103 nghị sỹ thuộc đảng Xã hội Bulgaria (BSP), đảng Phong trào vì quyền lợi và tự do, trong khi 131 phiếu phản đối.
Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov tại lễ tuyên thệ nhậm chức của Chính phủ mới ở Quốc hội tại thủ đô Sofia hôm 4/5/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, ngày 17/1, BSP đã đề nghị tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ cầm quyền với lý do chính phủ do Chủ tịch GERB Boyko Borisov đứng đầu đã "bất lực" trước tình trạng tham nhũng. Phát biểu tại cuộc thảo luận Quốc hội ngày 23/1, Chủ tịch BSP Korneliya Ninova cho biết nạn tham nhũng đang lan tràn từ cấp thấp nhất tới cấp cao nhất và chính phủ "không thể" kiểm soát được tình trạng này.
Tuy nhiên, lãnh đạo GERB tại Quốc hội, Tsvetan Tsvetanov đã bác lời chỉ trích trên, cho rằng dưới thời cầm quyền trước đây của BSP, Bulgaria bị đánh giá là có mức tín nhiệm thấp, song mức đánh giá đã trở nên tích cực hơn dưới sự cầm quyền của chính phủ hiện nay. Trong những tháng gần đây, tham nhũng đã trở thành vấn đề mâu thuẫn lớn giữa BSP và phe đa số trong quốc hội do GERB đứng đầu.
Tháng 12/2017, Quốc hội Bulgaria đã thông qua luật chống tham nhũng vốn nhận được sự ủng hộ của BSP. Tuy nhiên, Tổng thống Rumen Radev đã bác bỏ đạo luật này với lý do không hỗ trợ hiệu quả quá trình điều tra các mạng lưới tham nhũng.
Bulgaria là một trong số nước nghèo nhất, có chỉ số tham nhũng cao nhất trong Liên minh châu Âu. Lãnh đạo EU đã nhiều lần nhắc nhở Bulgaria vì đã không truy tố và kết án các quan chức bị cáo buộc tham nhũng. Thống kê cho thấy sau 11 năm gia nhập EU, chưa một quan chức cấp cao nào của Bulgaria bị bắt giam với cáo buộc tham nhũng.