Thông cáo chính thức từ đại diện của Na Uy, một trong những nước đóng vai trò bảo trợ tiến trình đối thoại, cho biết các bên đã thống nhất sẽ liên lạc qua đường ngoại giao với Chính phủ Mỹ để xem Washington có sẵn sàng cử đặc phái viên tới tham gia bàn đối thoại hay không.
Ngoài ra, Chính phủ Colombia và ELN cũng đạt được thỏa thuận về việc chấp thuận Nauy, Cuba và Venezuela tiếp tục đóng vai trò bảo trợ đối với tiến trình đàm phán hòa bình của Colombia; đồng thời sẽ mời Đức, Thụy Điển, Thụy Sỹ và Tây Ban Nha tham gia với tư cách các nước đồng hành. Bên cạnh đó, hai bên cũng muốn mời cả chính phủ Brazil và Mexico tham dự.
Trước đó, hồi đầu tuần, Chính phủ Colombia và ELN đã thống nhất nối lại tiến trình đối thoại, đồng thời khẳng định muốn có hòa bình và sự thay đổi. ELN được thành lập từ năm 1964 và là một trong hai nhóm du kích vũ trang lâu đời nhất tại Colombia. Hiện nhóm này chỉ còn khoảng 2.000 thành viên nhưng vẫn có ảnh hưởng tại các vùng nông thôn rừng núi.
Trước ELN, một nhóm du kích khác là Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã ký thỏa thuận hòa bình với chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos năm 2016. Sau khi ký thỏa thuận, FARC đã tiến hành giải giáp và trở thành một đảng chính trị ở quốc gia Nam Mỹ này.