Dự luật, do Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tư pháp soạn thảo, được đưa ra trong bối cảnh nước Đức đang tìm cách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để đóng góp cho thị trường lao động của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, bản dự thảo dài 49 trang đề xuất cho phép lựa chọn đa quốc tịch, rút ngắn thời gian bắt buộc ở Đức trước khi xin nhập quốc tịch từ 8 năm xuống còn 5 năm, thậm chí là 3 năm nếu có thành tích nổi trội, chẳng hạn như khả năng ngôn ngữ và năng lực làm việc tốt hoặc tham gia công tác tình nguyện. Con cái có cha mẹ là người nước ngoài, được sinh ra ở Đức cũng có thể trở thành công dân Đức nhanh hơn với điều kiện cha hoặc mẹ phải sống hợp pháp ở Đức trong 5 năm, thay vì 8 năm như trước đây. Một trong những điều khoản quan trọng của dự thảo luật mới là người xin nhập quốc tịch Đức không còn phải buộc từ bỏ quyền công dân trước đây của bản thân.
Ngoài ra, các yêu cầu về ngôn ngữ khi xin nhập quốc tịch cũng sẽ được nới lỏng đối với các thế hệ được gọi là “khách thợ” - những người lao động theo hiệp định hợp tác trước đây, trong đó có nhiều người đến từ Thổ Nhĩ Kỳ vào những năm 1950 và 1960 với tư cách là lao động nhập cư. Cụ thể, những trường hợp trên 67 tuổi sẽ không cần phải trải qua bài kiểm tra khả năng viết, mà chỉ cần kiểm tra khả năng nói tiếng Đức khi xin nhập tịch quốc tịch. Theo Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Nancy Faeser, Đức mong muốn thu hút bộ phận vốn đã trở thành một phần của xã hội để phát triển đất nước, trong đó, mô hình của Canada là phương cách quan trọng để thu hút lực lượng lao động lành nghề mà Đức đang rất cần.
Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SDP) Lars Klingbeil nhận định dự luật mới sẽ tạo điều kiện nhập quốc tịch Đức cho những người lao động nước ngoài từ những năm 1960 - thế hệ thường làm việc chăm chỉ cả đời mà chưa từng được tạo điều kiện khi muốn nhập quốc tịch Đức. Theo dự thảo luật, bất kỳ ai muốn nhập quốc tịch Đức đều phải cam kết tuân thủ các giá trị của một xã hội tự do, trong đó bao gồm phẩm giá và sự bình đẳng của mọi cá nhân. Người nước ngoài phạm tội bài Do Thái, phân biệt chủng tộc, bài ngoại hoặc những động cơ vô nhân đạo khác sẽ không được nhập quốc tịch Đức. Điều kiện tiên quyết để được nhập quốc tịch Đức là phải có việc làm, có thể tự trang trải cuộc sống mà không nhận trợ cấp xã hội, trừ những trường hợp ngoại lệ đặc biệt.
Năm ngoái, Chính phủ Đức đã thông qua kế hoạch cải cách luật nhập cư, khi Berlin tìm cách mở cửa thị trường việc làm cho người lao động ngoài Liên minh châu Âu (EU) để lấp đầy hàng trăm nghìn vị trí tuyển dụng trong các lĩnh vực từ ẩm thực, chăm sóc trẻ em đến công nghệ thông tin và năng lượng tái tạo. Tính tới cuối năm 2021, có khoảng 72,4 triệu người mang quốc tịch Đức và khoảng 10,7 triệu người mang quốc tịch nước ngoài đang sinh sống ở Đức, trong đó, khoảng 5,7 triệu người đã ở Đức ít nhất 10 năm. Dự thảo mới cần sự góp ý và phê chuẩn của các bang cũng như các hiệp hội để Nội các hoàn tất và có thể được Chính phủ Đức thông qua vào mùa Hè này.