Ngày 19/5, nội các sắp mãn nhiệm của Thủ tướng Libya Abdullah al-Thinni đã đề xuất một sáng kiến nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay và tránh cho quốc gia Bắc Phi này rơi vào cảnh nội chiến. Theo đề xuất, Chính phủ lâm thời kêu gọi Quốc hội ngừng hoạt động và tổ chức lại việc bầu thủ tướng gây tranh cãi.Thủ tướng Libya Abdullah al-Thinni. |
Trong một bức thư mở, đăng công khai trên trang web của Chính phủ lâm thời, cơ quan này đề nghị Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC, tức Quốc hội lâm thời) nên ngừng hoạt động sau cuộc bỏ phiếu về ngân sách năm 2014 (dự kiến diễn ra trong tuần này) và cho tới khi các cuộc bầu cử quốc hội khóa mới diễn ra trong vòng 3 tháng nữa. Ngoài ra, Chính phủ cũng kêu gọi tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mới tại GNC đối với tân Thủ tướng Ahmed Miitig sau cuộc bỏ phiếu đầu tiên gây tranh cãi hồi đầu tháng.
Đề xuất của Chính phủ được đưa ra một ngày sau khi lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng về hưu Khalifa Haftar đứng đầu tấn công trụ sở GNC đòi giải tán cơ quan này, và ba ngày sau khi lực lượng này tiến hành vụ tấn công đẫm máu vào Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya, khiến ít nhất 24 người thiệt mạng và 150 người bị thương. Chính phủ lâm thời đã lên án các hành động của tướng Haftar là "đảo chính", trong khi Bộ trưởng Tư pháp Salah al- Marghani cũng lên án ông Haftar và những người ủng hộ ông là "thể hiện quan điểm chính trị bằng việc sử dụng vũ lực".
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nouri Abu Sahmain đã ra lệnh cho một lực lượng dân sự thân chính phủ áp dụng các biện pháp bảo vệ thủ đô Tripoli. Trong một bức thư gửi tới lực lượng "Lá chắn trung tâm Libya", ông Sahmain kêu gọi các binh lính sẵn sàng đối đầu với "mọi âm mưu tiếm quyền" tại Tripoli. Một quan chức Bộ Quốc phòng đã xác nhận đề nghị hỗ trợ trên của ông Sahmain, trong khi người phát ngôn lực lượng này Abu Bakar al-Enaira cũng khẳng định đã nhận được các mệnh lệnh bảo vệ các tuyến đường trọng yếu và các thể chế công quyền.
Biểu tình tại Tripoli, phản đối bạo lực gia tăng ở Benghazi ngày 16/5. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong một diễn biến khác, người đứng đầu một đơn vị quân đội tinh nhuệ của Libya, Đại tá Wanis Abu Khamada, một vị tư lệnh rất được tôn trọng, tuyên bố đơn vị của ông sẽ "tham gia các chiến dịch tấn công các lực lượng Hồi giáo tại Benghazi" cùng với lực lượng LNA tự xưng của tướng Haftar. Cùng ngày, một căn cứ không quân của Libya tại thành phố miền Đông Tobruk cũng quyết định gia nhập lực lượng của Tướng Haftar.
Trước tình hình trên, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ lo ngại sâu sắc, trong khi Mỹ cân nhắc khả năng đóng cửa Đại sứ quán tại Libya. Tại một cuộc họp báo ngày 19/5, ông Michael Mann, phát ngôn viên của Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, cho biết EU kêu gọi tất cả các bên tránh mọi hành động sử dụng vũ lực và tìm cách xây dựng lòng tin để đảm bảo quá trình chuyển tiếp thành công tại Libya. Ông Mann cũng khẳng định lại cam kết của EU ủng hộ nhân dân Libya. Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Mỹ theo dõi sát sao tình hình tại Tripoli và Benghazi, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế bạo lực. Tuy nhiên, bà cho biết hiện Mỹ chưa quyết định về việc sơ tán nhân viên ngoại giao tại Libya.
Trong khi đó, Saudi Arabia đã quyết định đóng cửa Đại sứ quán và Lãnh sự quán tại Libya từ ngày 19/5, đồng thời rút toàn bộ nhân viên ngoại giao do lo ngại an ninh. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tạm thời đóng cửa Lãnh sự quán tại Benghazi. Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ Algeria đã ra lệnh tạm thời đóng 4 cửa khẩu biên giới với Libya bắt đầu từ ngày 20/5. Theo thông báo của bộ trên, quyết định này sẽ được xem xét lại tùy thuộc vào các diễn biến mới về tình hình an ninh tại Libya.
TTXVN/Tin tức