Theo văn phòng thông tin của Thủ tướng Libya, ngoài Tướng Hafta, còn có 6 sĩ quan quân đội có tên trong lệnh bắt giữ mà Thủ tướng Fayez Serraj ban hành, với cáo buộc những người này liên quan đến các vụ không kích gây thương vong tại các khu vực dân cư ở thủ đô Tripoli.
Trước đó, ngày 16/4 vừa qua, nhiều khu vực ở miền Nam Tripoli đã phải hứng chịu các vụ tấn công bằng đạn pháo, gây thương vong và nhiều nhà cửa bị phá hủy. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giao tranh giữa các lực lượng đối địch ở Libya từ đầu tháng Tư đã khiến 205 người thiệt mạng, 913 người bị thương và hàng nghìn người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng LHQ cho biết khoảng 500.000 trẻ em bị ảnh hưởng bởi các cuộc giao tranh tại quốc gia Bắc Phi này.
Cũng trong ngày 18/4, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cảnh báo tình hình tiếp tục xấu đi ở Libya có thể dẫn tới làn sóng phần tử cực đoan bạo lực gia tăng tại quốc gia Bắc Phi này. Phát biểu trước Quốc hội Italy, ông Conte nhấn mạnh tình hình hỗn loạn và bạo lực hiện nay có thể làm gia tăng mạnh mẽ nguy cơ khủng bố trỗi dậy, vốn vẫn đang hiện diện tại Libya. Do đó, cuộc chiến chống khủng bố và các tay súng nước ngoài vẫn là một trong những thách thức chính mà Libya cũng như cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, hai cường quốc trên thế giới là Mỹ và Nga đều khẳng định không thể ủng hộ dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, do Anh đề xuất, kêu gọi ngừng bắn vào thời điểm này. Hãng tin AFP dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết tại cuộc họp kín ngày 18/4, Nga tiếp tục cho rằng dự thảo nghị quyết đã không đưa ra chứng cứ khi chỉ trích Tướng Haftar trong khi Mỹ đề nghị có thêm thời gian để cân nhắc các lựa chọn. Đại sứ Anh tại LHQ Karen Pierce khẳng định sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm đi đến sự đồng thuận vào tuần tới.