Nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân trong cơn bão giá, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết, mỗi hộ gia đình trong diện B40 (Nhóm 40% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất. Tổng thu nhập dưới 4.850 RM (khoảng 21 triệu VND)/tháng sẽ được nhận viện trợ bằng tiền mặt, trị giá 100 RM/người (540.000 VND/người) trong khi người độc thân sẽ nhận được 50 RM (270.000 VND). Chương trình này sẽ được triển khai từ ngày 27/6 và chia làm 4 giai đoạn.
Trong một thông báo đặc biệt đưa ra ngày 23/6, Thủ tướng Ismail cho rằng Chương trình Hỗ trợ Gia đình Malaysia (BKM) sẽ mang lại lợi ích cho hơn 8,6 triệu người, bao gồm 4 triệu hộ gia đình, 1,2 triệu người cao tuổi và 3,4 triệu người độc thân, đồng thời cho biết thêm quyết định hỗ trợ tài chính được đưa ra sau khi chính phủ nhận thấy chi phí sinh hoạt tăng bao gồm giá thực phẩm. Theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ nhận được tối đa 500 RM tùy theo hoàn cảnh. Giai đoạn 2 sẽ phân bổ thêm 650 triệu RM và điều này sẽ nâng tổng ngân sách viện trợ theo Chương trình BKM lên đến 1,74 tỷ RM.
Thủ tướng Ismail cho biết, khoản hỗ trợ tối đa lên tới 2.500 RM/hộ gia đình thuộc diện B40 nằm trong Ngân sách 2022, vốn được thông qua từ năm ngoái và là động lực lớn nhất của chính phủ cho đến nay, nhằm hướng đến phúc lợi của người dân.
Trong bài phát biểu đặc biệt, ông Ismail cũng cho biết, chương trình trợ giá tạm thời đối với mặt hàng dầu ăn đóng chai được áp dụng trong giai đoạn đại dịch COVID-19 sẽ chấm dứt từ ngày 1/7. Giải thích về quyết định này, ông cho biết chính phủ đã phát hiện ra rằng khoản hỗ trợ dầu ăn đã bị một số người sử dụng sai mục đích, trong đó có cả việc buôn lậu. Ban đầu, chương trình dự kiến chỉ kéo dài trong ba tháng kể từ tháng 8/2021 và khoản trợ cấp này đã khiến chính phủ tiêu tốn 55 triệu RM mỗi tháng.
Chính phủ Malaysia đã chi 4 tỷ RM để trợ cấp cho dầu ăn trong năm nay, so với 500 triệu RM vào năm 2020 và 2,2 tỷ RM vào năm 2021. Trên thực tế, chính phủ trợ cấp 60.000 tấn dầu ăn, nhiều hơn mức tiêu thụ của công chúng là 55.000 tấn mỗi tháng.