Ông Maiga xác nhận Mali đã quyết định triệu hồi đại sứ tại các quốc gia thành viên khác của ECOWAS, đồng thời đóng cửa biên giới trên bộ và trên không đối với các nước liên quan.
Người phát ngôn trên nêu rõ Chính phủ Mali lấy làm tiếc trước tính chất “vô nhân đạo” của các biện pháp trừng phạt mà ECOWAS áp đặt. Các biện pháp này gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân Mali - vốn phải gánh chịu những tác động nghiêm trọng từ các cuộc khủng hoảng an ninh và y tế, đặc biệt là đại dịch COVID-19.
Ông Maiga nhấn mạnh rằng các biện pháp của ECOWAS “đi ngược lại những nỗ lực và tinh thần sẵn sàng đối thoại của Chính phủ Mali với tổ chức này nhằm đạt được thỏa hiệp về thời gian tổ chức bầu cử”. Ông Maiga cũng kêu gọi người dân Mali “bình tĩnh và kiềm chế”, đồng thời nói thêm rằng Chính phủ Mali đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo hoạt động cung ứng bình thường cho đất nước.
Tuyên bố của người phát ngôn Chính phủ Mali được đánh giá là một động thái đáp trả đối với các biện pháp trừng phạt bị cho là “đáng tiếc, bất hợp pháp và không chính đáng” mà ECOWAS công bố hôm 9/1 sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh bất thường của tổ chức này ở Accra (Ghana).
Trong thông cáo đưa ra sau hội nghị, ECOWAS cho biết tất cả các quốc gia thành viên của tổ chức này sẽ lập tức rút các đại sứ của họ về nước. Thông báo nêu rõ: “Các biện pháp trừng phạt khác bao gồm đóng cửa biên giới trên đất liền và không phận giữa các quốc gia thành viên ECOWAS và Mali, đình chỉ tất cả các giao dịch tài chính và kinh tế giữa các quốc gia thành viên ECOWAS và Mali, ngoại trừ các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu”. ECOWAS đã chỉ đạo cho tất cả các cơ quan thuộc cộng đồng này triển khai những bước đi nhằm thực hiện các biện pháp trừng phạt với hiệu lực ngay lập tức.
Tháng 11 năm ngoái, ECOWAS cũng đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với các cơ quan trong chính quyền chuyển tiếp của Mali, sau khi Bamako tuyên bố không thể đáp ứng được thời hạn tổ chức bầu cử vào tháng 2/2022.