Chính phủ mới ở Italy được đánh giá là một chính phủ “đoàn kết dân tộc” với thành phần ghế trong nội các chủ yếu được phân bổ cho tất cả các chính đảng thuộc cả hai phe cánh tả lẫn cánh hữu. Cụ thể, đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) nắm giữ 4 ghế bộ trưởng, các đảng cánh hữu Liên đoàn, Tiến lên Italy (FI) và đảng Dân chủ (PD) trung tả mỗi đảng có 3 ghế.
Hai đảng nhỏ khác là đảng Tự do và công bằng (Leu) và đảng Italia Viva (IV) mỗi đảng nắm giữ một ghế bộ trưởng. Trong chính phủ mới, có 8 bộ trưởng là những nhân vật kỹ trị. Ông Luigi Di Maio thuộc đảng M5S tiếp tục giữ chức Ngoại trưởng trong chính phủ mới.
Sau khi tuyên thệ nhậm chức, chính phủ mới của ông Draghi sẽ phải trải qua hai cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội lưỡng viện để được phê chuẩn chính thức. Giới phân tích nhận định chính phủ của ông Draghi sẽ dễ dàng vượt qua hai cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này do các chính đảng lớn thuộc cả hai phe tả, hữu trước đó đều đã cam kết ủng hộ ông.
Việc chính phủ mới của ông Draghi lên nhậm chức đã chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy kéo dài một tháng qua sau khi đảng IV của cựu Thủ tướng Matteo Renzi hôm 13/1 rút khỏi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Giuseppe Conte, khiến ông Conte phải từ chức.
Một trong những trọng tâm của chính phủ mới là đưa Italy thoát khỏi đại dịch Covid-19 cũng như phục hồi nền kinh tế trì trệ bấy lâu nay. Các nguồn tin cho biết trong những ngày qua, tân Thủ tướng Draghi đã vạch ra một chương trình, theo đó tập trung cho kế hoạch phân bổ nguồn ngân quỹ trị giá 209 tỷ euro dự kiến sẽ tiếp nhận từ Quỹ Phục hồi của Liên minh châu Âu (EU).
Theo kế hoạch của ông Draghi, khoản ngân quỹ này sẽ chủ yếu được sử dụng để đầu tư nhằm phục hồi nền kinh tế. Ngoài ra, ông Draghi cũng nhấn mạnh Italy cần phải tiến hành các cải cách về tài khóa.
Đáng chú ý, ông Draghi cũng tuyên bố sẽ nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng một kế hoạch ngân sách chung cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Điều này cho thấy quan điểm của Thủ tướng mới Draghi là ủng hộ châu Âu một cách khá nhất quán. Trước đây, khi còn đang giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Draghi cũng đã từng kêu gọi các nước thành viên Eurozone xây dựng một kế hoạch ngân sách chung cho khối này.
Ý tưởng về một kế hoạch ngân sách chung cho Eurozone ra đời trong thời gian châu Âu lâm vào khủng hoảng tài chính. Những quốc gia ủng hộ ý tưởng này, chẳng hạn như Pháp, lập luận rằng đây là điều cần thiết để giúp ổn định các nước châu Âu một khi bị khủng hoảng. Một kế hoạch ngân sách chung cho Eurozone được coi là thành tố chủ chốt vốn đang bị thiếu trong cấu trúc của khối và sẽ góp phần hoàn thiện chính sách tiền tệ của ECB.
Đối với Italy, kế hoạch ngân sách chung cho Eurozone sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế tránh khỏi những cú sốc đối với nền tài chính công, và rộng hơn là sẽ tạo nên lá chắn giúp đối phó với các tình huống khủng hoảng, giống như cuộc khủng hoảng nợ công trước đây, vốn đã từng có nguy cơ gây sụp đổ khu vực đồng tiền chung châu Âu.