Chính phủ Mỹ, Anh thực hiện bước đi đặc biệt để ngăn chặn hoảng loạn ngân hàng

Các chính phủ ở Anh và Mỹ đã thực hiện các bước đi đặc biệt để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể xảy ra sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature - hai vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai và thứ ba trong lịch sử Mỹ.

 

Chú thích ảnh
Biển báo chi nhánh của Ngân hàng Thung lũng Silicon tại một tòa nhà văn phòng ở Frankfurt, Đức, ngày 13/3/2023. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, ngày 13/3, Bộ Tài chính và Ngân hàng Anh tuyên bố “tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán” Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) chi nhánh tại Anh cho HSBC, đảm bảo an toàn cho 6,7 tỷ bảng Anh (8,1 tỷ USD) tiền gửi.

Các quan chức Anh đã bận rộn suốt cuối tuần qua để tìm người mua lại chi nhánh ở Anh của SVB, có trụ sở tại California, sau vụ sụp đổ lớn thứ hai trong lịch sử của một ngân hàng thương mại Mỹ.

“Sáng nay, chính phủ và Ngân hàng Anh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán riêng SVB Vương quốc Anh cho HSBC", Giám đốc Tài chính Jeremy Hunt cho biết trong một bài đăng Twitter. “Tiền gửi sẽ được bảo vệ, không cần hỗ trợ bởi người nộp thuế. Hôm qua tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ quan tâm tới lĩnh vực công nghệ của mình và đã làm việc khẩn trương để thực hiện lời hứa đó.”

HSBC cho biết họ sẽ mua lại SVB UK với giá 1 bảng Anh.

Các cơ quan quản lý của Mỹ cũng đã làm việc cả cuối tuần để tìm người mua lại ngân hàng SVB. Những nỗ lực đó dường như đã thất bại vào ngày 12/3. Mặc dù vậy các quan chức Mỹ đảm bảo với tất cả những người gửi tiền tại ngân hàng SVB rằng họ có thể nhanh chóng lấy được tất cả số tiền của mình,

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại những yếu tố khiến ngân hàng SVB phá sản có thể lan rộng.

Trong một dấu hiệu cho thấy tình trạng "chảy máu tài chính" đang diễn ra nhanh như thế nào, các nhà quản lý ngày 12/3 (giờ địa phương) thông báo rằng Ngân hàng Signature có trụ sở tại New York cũng đã phá sản và bị tịch thu vào cùng ngày. Với hơn 110 tỷ USD tài sản, Signature Bank là ngân hàng phá sản lớn thứ ba trong lịch sử Mỹ.

Cuộc khủng hoảng tài chính cận kề mà các cơ quan quản lý của Mỹ phải can thiệp để ngăn chặn khiến thị trường châu Á trở nên lo lắng khi giao dịch bắt đầu vào ngày 13/3. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,6% trong phiên giao dịch buổi sáng, S&P/ASX 200 của Australia mất 0,3% và Kospi của Hàn Quốc giảm 0,4%. Nhưng Hang Seng của Hong Kong tăng 1,4% và Shanghai Composite tăng 0,3%.

Trong một nỗ lực củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng, Bộ Tài chính Mỹ, Cục Dự trữ liên bang (Fed) và Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) cho biết ngày 12/3 rằng tất cả các khách hàng của SVB sẽ được bảo vệ và có thể tiếp cận tiền gửi của mình. Họ cũng công bố các bước nhằm bảo vệ khách hàng của ngân hàng và ngăn chặn các hoạt động chạy đua rút tiền.

“Bước này sẽ đảm bảo rằng hệ thống ngân hàng Mỹ tiếp tục thực hiện vai trò quan trọng của mình là bảo vệ tiền gửi và cung cấp khả năng tiếp cận tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp theo cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững,” các cơ quan cho biết trong một tuyên bố chung.

Theo kế hoạch, những người gửi tiền tại SVN và Ngân hàng Signature, bao gồm cả những người nắm giữ vượt quá giới hạn bảo hiểm 250.000 USD, sẽ có thể tiếp cận tiền gửi của mình trong ngày 13/3 (theo giờ địa phương).

Cũng trong ngày 12/3, một ngân hàng đang gặp khó khăn khác, Ngân hàng Đệ nhất Cộng hoà (FRB), thông báo họ đã củng cố sức khỏe tài chính bằng cách tiếp cận nguồn vốn từ Fed và JPMorgan Chase.

Trong một thông báo riêng vào tối 12/3, Fed đã công bố một chương trình cho vay khẩn cấp mở rộng nhằm ngăn chặn làn sóng tháo chạy khỏi ngân hàng có thể đe dọa sự ổn định của hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế. Các quan chức của FedD mô tả chương trình này giống như những gì các ngân hàng trung ương đã làm trong nhiều thập kỷ: Cho hệ thống ngân hàng vay tự do để khách hàng tin tưởng rằng họ có thể truy cập vào tài khoản của mình bất cứ khi nào cần.

Chú thích ảnh
Sau SVB, Ngân hàng Signature của Mỹ cũng phá sản. Ảnh: AP

Theo đó, các ngân hàng cần huy động tiền mặt để trả cho người gửi tiền có thể vay số tiền đó từ Fed, thay vì phải bán trái phiếu kho bạc và các loại chứng khoán khác để huy động tiền.

Trước đó, SVB đã buộc phải bán lỗ một số lớn trái phiếu Kho bạc của mình để có tiền trả cho khách muốn rút. Theo chương trình mới của Fed, các ngân hàng có thể gửi những chứng khoán đó làm tài sản thế chấp và vay từ cơ sở khẩn cấp của Fed.

Bộ Tài chính Mỹ đã dành 25 tỷ USD để bù đắp bất kỳ tổn thất nào phát sinh theo cơ sở cho vay khẩn cấp của Fed. Tuy nhiên, các quan chức của Fed cho biết họ không mong muốn phải sử dụng bất kỳ khoản tiền nào trong số tiền đó, vì các chứng khoán được đưa làm tài sản thế chấp có rủi ro vỡ nợ rất thấp.

Các nhà phân tích cho biết chương trình của Fed sẽ đủ để làm dịu thị trường tài chính vào ngày 13/3, ngày mà khách hàng của các ngân hàng vừa phá sản được cam kết lấy lại được tiền gửi.

Các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Jefferies, cho biết: “Thứ Hai (13/3) chắc chắn là một ngày căng thẳng đối với nhiều người trong lĩnh vực ngân hàng khu vực, nhưng hành động hôm nay giúp giảm đáng kể nguy cơ lây lan thêm”.

Mặc dù các bước đi vào 12/3 đánh dấu sự can thiệp sâu rộng nhất của chính phủ vào hệ thống ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng các hành động này vẫn tương đối hạn chế so với những gì đã được thực hiện 15 năm trước. Bản thân hai ngân hàng đổ vỡ vẫn chưa được giải cứu và tiền thuế của người dân đã không được cung cấp cho các ngân hàng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết vào tối 12/3 khi lên chuyên cơ Không lực Một trở về Washington, D.C., rằng ông sẽ phát biểu về tình hình ngân hàng vào 13/3. Ông “cam kết chắc chắn sẽ quy trách nhiệm hoàn toàn cho những người chịu trách nhiệm về mớ hỗn độn này và tiếp tục nỗ lực tăng cường giám sát và điều tiết các ngân hàng lớn hơn để chúng ta không rơi vào tình trạng này một lần nữa.”

Hôm 10/3, các cơ quan quản lý đã phải khẩn cấp đóng cửa SVB, một tổ chức tài chính có tài sản trị giá hơn 200 tỷ USD (tính đến tháng 1) khi ngân hàng này không thể xử lý khối lượng tiền gửi được rút ra quá lớn cùng lúc. Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau vụ phá sản năm 2008 của ngân hàng Washington Mutual.

Một số giám đốc điều hành nổi tiếng ở Thung lũng Silicon lo sợ rằng nếu Washington không giải cứu ngân hàng bị phá sản, khách hàng sẽ tiếp tục rút khỏi các tổ chức tài chính khác trong những ngày tới. Giá cổ phiếu đã giảm trong vài ngày qua tại các ngân hàng khác phục vụ cho các công ty công nghệ, bao gồm FRB và PacWest.

SVB bắt đầu rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán khi khách hàng của họ, phần lớn là các công ty công nghệ cần tiền mặt khi họ gặp khó khăn trong việc huy động vốn, bắt đầu rút tiền gửi. Ngân hàng đã phải bán lỗ trái phiếu để bù đắp cho việc rút tiền, dẫn đến cuộc sụp đổ lớn nhất của một tổ chức tài chính Mỹ kể từ thời đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo AP)
Signature Bank trở thành ngân hàng lớn thứ ba của Mỹ phải đóng cửa
Signature Bank trở thành ngân hàng lớn thứ ba của Mỹ phải đóng cửa

Ngày 12/3, Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý ngân hàng khác ra thông báo chung đóng cửa ngân hàng Signature Bank, có trụ sở ở bang New York.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN