Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Olympic Tokyo sẽ khai mạc. Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các tỉnh được dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đợt này gồm: thủ đô Tokyo, các tỉnh Osaka, Kyoto, Hyogo và Okayama ở phía Tây, Aichi ở miền Trung, Hiroshima và Fukuoka ở phía Tây Nam, và Hokkaido ở phía Bắc. Trong số này, ngoại trừ Okayama và Hiroshima - nơi tình hình dịch bệnh đã cải thiện đáng kể, 6 tỉnh, thành còn lại, bao gồm cả Tokyo, sẽ chuyển sang áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.
Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định đưa các tỉnh Gifu và Mie ra khỏi danh sách các địa phương áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm vào ngày 20/6, nhưng gia hạn biện pháp này ở ba tỉnh giáp Tokyo, gồm Chiba, Kanagawa và Saitama, cho tới ngày 11/7.
Tại các khu vực đã được dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và các biện pháp phòng dịch trọng điểm, Chính phủ sẽ nâng giới hạn về số lượng khán giả tối đa được phép dự khán các sự kiện thể thao, giải trí quy mô lớn lên 10.000 người.
Phát biểu tại cuộc họp với nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ về ứng phó với dịch COVID-19 trong sáng 17/6, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura nhấn mạnh tình trạng căng thẳng của hệ thống y tế ở 7 tỉnh, thành này đã lắng dịu nhưng các địa phương này vẫn cần phải ngăn chặn số ca lây nhiễm gia tăng trở lại do sự gia tăng của lưu lượng người đi lại trên đường và sự lây lan của các biến thể SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Nishimura cho biết thêm rằng Chính phủ sẽ linh hoạt trong việc ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp hạn chế khi cần nhằm ngăn chặn nguy cơ sự gia tăng về số ca nhiễm mới có thể biến thành một làn sóng lây nhiễm mới.
Nhóm chuyên gia cố vấn đã thông qua quyết định trên sau khi Chính phủ Nhật Bản chấp nhận 3 điều kiện liên quan đến dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp của nhóm chuyên gia ở Tokyo ngày 17/6, ông Shigeru Omi, Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản về ứng phó với dịch COVID-19, cho biết ba điều kiện bao gồm: (1) Chính phủ phải thực hiện tất cả các biện pháp mà nhóm chuyên gia đã đề xuất để ngăn chặn số ca nhiễm mới gia tăng trở lại, trong đó có việc thúc đẩy chương trình tiêm chủng và tăng cường xét nghiệm virus; (2) Chính phủ sẽ nhanh chóng có các biện pháp quyết liệt hơn nếu có các dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm mới tăng trở lại; và (3) Chính phủ cần xây dựng tầm nhìn cho một vài tháng tới về việc làm thế nào để kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Nhật Bản bắt đầu áp dụng tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 ở thủ đô Tokyo và ở 3 tỉnh phía Tây gồm Osaka, Kyoto và Hyogo từ ngày 25/4. Trong tháng 5, chính quyền của Thủ tướng Yoshihide Suga đã lần lượt đưa thêm các tỉnh Aichi và Fukuoka vào danh sách vào ngày 12/5, Hokkaido, Okayama và Hiroshima vào ngày 16/5 và Okinawa vào ngày 23/5. Phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp chiếm khoảng 50% quy mô của nền kinh tế Nhật Bản và hơn 40% dân số của nước này.
Nhờ biện pháp quyết liệt này, trong thời gian gần đây, dịch COVID-19 đang có dấu hiệu tạm lắng ở Nhật Bản. Ngày 16/6, nước này chỉ ghi nhận thêm 1.710 ca nhiễm mới trên toàn quốc, giảm mạnh so với mức đỉnh 7.766 ca của đợt bùng phát này được ghi nhận vào ngày 9/5, và 80 ca tử vong vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tại thủ đô Tokyo lại tăng từ 337 ca ngày 15/6 lên 501 ca. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 3/6, số ca nhiễm mới ở thành phố này vượt ngưỡng 500 ca/ngày.