Về nguyên tắc, các dữ liệu như tin nhắn sẽ không bị giám sát vì lo ngại cho rằng có thể dẫn tới việc vi phạm quyền riêng tư. Hiến pháp Nhật Bản cũng cấm xâm phạm bí mật của bất kỳ phương tiện liên lạc nào. Thay vào đó, chính phủ chỉ cho phép giám sát theo thời gian thực những thay đổi về lưu lượng siêu dữ liệu (như kích thước tin nhắn hoặc ngày gửi) và địa chỉ IP để xác định vị trí của thiết bị trên mạng. Chính phủ Nhật Bản cũng đã đánh giá xem việc cho phép giám sát siêu dữ liệu có hợp pháp hay không.
Thông thường, các cuộc tấn công mạng được tiến hành từ nhiều thiết bị. Do đó, việc thường xuyên theo dõi những thay đổi về lưu lượng dữ liệu và thời gian thông tin được gửi sẽ có những tác dụng đáng kể.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu sẽ đệ trình dự luật về việc này sớm nhất là tại phiên họp Quốc hội bất thường vào mùa Thu để tăng cường khả năng "phòng thủ mạng chủ động" của đất nước, trong đó cho phép quan sát và phát hiện sớm các dấu hiệu tấn công mạng, đồng thời khi cần sẽ cho phép thực hiện các biện pháp phòng ngừa như làm gián đoạn kết nối máy chủ của đối phương.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét một khuôn khổ cho phép tiếp cận siêu dữ liệu do các công ty truyền thông trong nước nắm giữ. Việc thu thập và quản lý siêu dữ liệu sẽ được thực hiện tại một đơn vị mới trực thuộc Trung tâm chiến lược và sẵn sàng ứng phó sự cố quốc gia về an ninh mạng của Chính phủ.