Chính phủ Thụy Điển nguy cơ rơi vào khủng hoảng

Liên minh cầm quyền trong Chính phủ Thụy Điển nguy cơ mất đa số trong quốc hội vì hiệp ước di cư của EU.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo đảng SD tuyên bố chính sách di cư nên được quyết định ở Thụy Điển - không phải bởi các quan chức ở Brussels. Ảnh: EPA

Lãnh đạo Đảng Dân chủ Thụy Điển (SD) cánh hữu tại Quốc hội nước này mới đây tuyên bố SD có thể rút lại sự ủng hộ đối với liên minh trung hữu cầm quyền, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng chính trị khi Thụy Điển đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU. 

Mattias Karlsson, lãnh đạo của SD, cảnh báo Chính phủ Thụy Điển không được ủng hộ phiên bản hiện tại của hiệp ước di cư do Nghị viện châu Âu thông qua - nếu không, sự hợp tác và hỗ trợ của SD cho liên minh cầm quyền có thể gặp rủi ro.

“Chính phủ phải ngăn chặn 'Hiệp ước di cư' do nghị sĩ Thụy Điển Tomas Tobé tại Nghị viện châu Âu soạn thảo. Nếu không, chúng tôi thấy khó có thể duy trì cơ sở cho sự hợp tác”, ông Karlsson nêu rõ.
“Chính sách di cư nên được quyết định ở Thụy Điển – không phải bởi các quan chức ở Brussels”, lãnh đạo đảng SD nhấn mạnh.

Đảng Dân chủ Thụy Điển không phải là một phần của liên minh cầm quyền ở Thụy Điển (gồm Đảng ôn hòa, Đảng Tự do và Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo) nhưng họ cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho chính phủ trung hữu của Thủ tướng Ulf Kristersson để đổi lấy việc thực thi chính sách của họ, cụ thể là về di cư.

Nếu không có sự ủng hộ của SD, liên minh cầm quyền sẽ không còn chiếm đa số trong quốc hội, điều này có thể ngăn cản Chính phủ Thụy Điển theo đuổi chương trình nghị sự trong hai tháng còn lại trước khi Thụy Điển kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU vào tháng 6 tới.

Trong tình huống như vậy, Thủ tướng Kristersson có thể chọn từ chức, dẫn đến bầu cử sớm, hoặc ông có thể tìm cách thành lập một liên minh mới với các đảng chính trị khác để duy trì thế đa số trong quốc hội và theo đuổi chương trình lập pháp của mình.

Hiệp ước di cư đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại Nghị viện châu Âu vào tuần trước, với khoảng 420 phiếu ủng hộ và khoảng 130 phiếu chống. Hiệp ước có bốn đề xuất để điều phối chính sách tị nạn và di cư.

Nghị sĩ Tobé, chịu trách nhiệm về việc điều phối chính sách tị nạn và di cư của Nghị viện châu Âu, đã coi cuộc bỏ phiếu về hiệp ước di cư là “lịch sử”.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Euractiv.com)
Mỹ hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO
Mỹ hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO

Mỹ hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary nhanh chóng chấp thuận Thụy Điển trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tiến trình vốn bị đình trệ trong nhiều tháng qua do bất đồng giữa các nước trong một số vấn đề. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN