Chính phủ Ukraine “thoát” bỏ phiếu bất tín nhiệm

Chính phủ Ukraine đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 3/12 sau khi thủ tướng có lời xin lỗi vì cảnh sát đã trấn áp các cuộc biểu tình. Trong khi đó, đông đảo người biểu tình vẫn tiếp tục tuần hành bên ngoài quốc hội phản đối chính phủ ngừng ký một thỏa thuận tự do thương mại với Liên minh châu Âu.


Thủ tướng Azarov cho rằng biểu tình có dấu hiệu đảo chính. Ảnh: AFP/TTXVN


Quốc hội Ukraine đã bác bỏ kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Mykola Azarov. Trong cuộc bỏ phiếu, phe đối lập chỉ có 186 phiếu bất tín nhiệm, trong khi đó cần tới 226 phiếu mới đủ để lật đổ chính phủ cầm quyền.


Trước đó, đích thân Thủ tướng Azarov đã thay mặt chính phủ nói lời xin lỗi sau các vụ trấn áp những ngày qua, đồng thời cam kết trước quốc hội rằng sẽ có sự thay đổi nhân sự trong chính phủ. Ngoài ra, ông Azarov cũng hi vọng người biểu tình sẽ ngừng phong tỏa tòa nhà chính phủ vì có một cuộc họp nội các dự kiến diễn ra trong sáng 4/12.


Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được coi là một hình thức thể hiện sự giận dữ của người biểu tình trước hành động của cảnh sát.


Trong khi đó, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra rầm rộ trong ngày 3/12 khi bất chấp lệnh cấm của tòa án thành phố Kiev, 350.000 người đã tập trung tại quảng trường Độc Lập và ở trung tâm thủ đô. Họ yêu cầu Tổng thống Viktor Yanukovych từ chức và đòi bầu cử sớm, coi đây là cách duy nhất để thay đổi tình hình.


Lực lượng cảnh sát chống bạo động đã được tăng cường và gần 1.000 binh sĩ được triển khai tại các địa điểm công cộng quan trọng nhằm đảm bảo trật tự tại thủ đô Kiev. Chín người đã bị bắt giữ tại khu vực gần Dinh tổng thống. Trước đó, hàng trăm nghìn người đã vây kín trụ các trụ sở chính quyền, tìm cách phá rào chắn an ninh, buộc cảnh sát phải dùng hơi cay để giải tán. Thủ tướng Ukraine Azarov cho rằng các cuộc biểu tình đã vượt tầm kiểm soát, trái pháp luật và có dấu hiệu một cuộc đảo chính.


Khi đề cập tới cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Ukraine kể từ một thập kỷ nay, phương Tây và Nga đã thể hiện quan điểm trái ngược. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án làn sóng biểu tình tại Ukraine và gọi đây là âm mưu nhằm phá hoại một chính phủ hợp pháp. Ông Putin cho biết, các sự kiện đang diễn ra ở Ukraine có hơi hướng một cuộc tàn sát hơn là một cuộc cách mạng. Ông Putin còn cáo buộc rằng biểu tình do bên ngoài sắp đặt. Ngược lại, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney lại khẳng định đây không phải là đảo chính, đồng thời chỉ trích việc cảnh sát ngăn chặn biểu tình bằng vũ lực là “không thể chấp nhận được”.


Trong bối cảnh diễn biến căng thẳng chưa có dấu hiệu lắng dịu, đại diện của lực lượng biểu tình và chính phủ Ukraine bắt đầu lên kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán. Chủ tịch Quốc hội Ukraine Vlodymyr Rybak, cho biết lực lượng đối lập sẽ có cơ hội giãi bày mọi ý kiến. Cuộc đàm phán này nhằm tìm ra giải pháp dung hòa trước làn sóng phản đối chính phủ nước này không chịu ký thỏa thuận tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị với EU.


Biểu tình tại Ukraine diễn ra từ hơn 10 ngày qua và trở nên gay gắt cuối tuần trước, sau khi chính phủ của Tổng thống Yanukoych từ chối ký một hiệp định cho phép Ukraine xích lại gần hơn với EU - một hành động Nga cho là nằm trong tính toán của phương Tây nhằm tăng cường cô lập Nga.



Dương Thuận

Người biểu tình Ukraine và phóng viên ăn gậy cảnh sát
Người biểu tình Ukraine và phóng viên ăn gậy cảnh sát

Lực lượng chống bạo động Ukraine đã dùng gậy xử lý những người biểu tình và phóng viên bên ngoài tòa nhà tổng thống ở Kiev sau khi đám đông quá khích tìm cách phá vỡ hàng rào cảnh sát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN