Ngày 6/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul cho biết Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã khẳng định lại một lần nữa rằng bà sẽ không từ chức và sẽ không có chuyện giải tán quốc hội. Người biểu tình chống chính phủ chưa chấm dứt mục tiêu lật đổ chính phủ. Ảnh: Reuters |
Tuyên bố này được ông Surapong đưa ra sau cuộc họp của Trung tâm thực thi trật tự và hòa bình (CAPO), nơi ông vừa được Thủ tướng Yingluck Shinawatra bổ nhiệm làm giám đốc nhằm đối phó với người biểu tình. Theo ông Surapong, Thủ tướng Thái Lan sẽ tổ chức một diễn đàn với sự tham gia của tất cả các bên, kể cả thủ lĩnh biểu tình Suthep Thuagsuban, nhằm giải quyết tình trạng bế tắc chính trị. Diễn đàn này được phía chính quyền cho là cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị và mang lại hòa bình, trật tự cho Thái Lan. Nó đồng thời cũng là để đối chọi lại đề nghị lập diễn đàn nhân dân của người biểu tình.
Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thuagsuban từng đề xuất áp dụng một Điều 7 trong Hiến pháp Thái Lan năm 2007 để mở đường cho một sắc lệnh của Hoàng gia về việc bổ nhiệm thủ tướng và triển khai hội đồng nhân dân. Theo đề xuất này, bà Yingluck sẽ giải tán quốc hội và từ chức khỏi chính phủ tạm quyền để tạo ra khoảng trống quyền lực, khiến Nhà Vua phải chỉ định một thủ tướng.
Cũng trong tối 6/12, ông Suthep Thaugsuban đã tuyên bố rằng ngày thứ Hai (9/12) tới sẽ là “ngày quyết định” đối với những người chiến đấu chống lại chế độ Thaksin và chính phủ của bà Yingluck Shinawatra. Thủ lĩnh biểu tình nói rằng ông sẽ dẫn đầu đoàn người biểu tình xuất phát từ khu liên hợp cơ quan công quyền ở phía Bắc Bangkok để tiến tới khu vực tòa nhà chính phủ. Ông khẳng định sẽ chấp nhận mọi kết quả trong “cuộc chiến đấu” vào ngày thứ Hai tới và nếu thất bại ông sẽ ra trình diện cảnh sát để đối mặt với các tội danh bị cáo buộc.
Trong những diễn biến mới nhất, Hiệp hội luật sư Thái Lan đã làm đơn kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp để yêu cầu tòa ra lệnh chấm dứt biểu tình và xem xét việc giải tán đảng Dân chủ. Theo hiệp hội này, tòa án nên xem xét liệu hành động của ông Suthep và các thành viên đảng dân chủ, gồm cả Chủ tịch đảng Abhisit Vejjajiva, có phải là mưu toan giành quyền lực một cách vi hiến, vi phạm điều hiến pháp, hay không.
Tư lệnh lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã lại lên tiếng kêu gọi chính phủ và phe đối lập cần tổ chức đàm phán để giải quyết những bế tắc chính trị hiện nay. Ông này nói rằng ông không chống lại bất kỳ một nhóm biểu tình màu sắc nào bởi quân đội có được bài học từ năm 2010. Kể cả khi quân đội thực hiện theo mệnh lệnh thì nó vẫn để lại những vấn đề cho tới ngày nay, do vậy, quân đội không muốn điều này lặp lại một lần nữa.
Trong các cuộc gặp gần đây do quân đội đứng ra dàn xếp, cả phía chính phủ và phe biểu tình đều tỏ dấu hiệu không muốn lùi bước.
TTXVN/Tin tức