Ngày 15/5, Phó Tổng thống phụ trách Truyền thông, Du lịch và Văn hóa của Venezuela Jorge Rodríguez đã tới Na Uy, trong một động thái được cho là để tiếp cận đại diện phe đối lập hiện cũng đã có mặt tại quốc gia Bắc Âu này.
Hãng tin Sputnik (Nga) trích “một nguồn tin gần gũi với các cuộc tiếp xúc giữa 2 bên” cho biết cả chính phủ và phe đối lập Venezuela đều có ý định đối thoại với sự trung gian Na Uy. Tuy nhiên, đến nay các nhà trung gian hòa giải Na Uy mới tiếp xúc riêng rẽ 2 bên. Trước đó 3 tuần, các nhà trung gian Na Uy đã tới Venezuela để thúc đẩy đối thoại và sau khi trở về Oslo, từ ngày 26-28/4, đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Ủy ban chuyên trách đối thoại của Chính phủ Venezuela.
Trong khi đó, báo Al Navío của Venezuela tiết lộ đại diện phe đối lập lần này có Gerardo Blyde và cựu Bộ trưởng Giao thông Fernando Martínez Mottola, trong khi Phó Chủ tịch thứ 2 của Quốc hội Stalin González được cho là gia nhập nhóm đàm phán này ngày 15/5.
Tổng thống Maduro không trực tiếp bình luận về cuộc đối thoại nói trên khi ông xuất hiện trên truyền hình ngày 15/5. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cho hay Phó Tổng thống, Bộ trưởng Jorge Rodríguez đang thực hiện một nhiệm vụ "vô cùng quan trọng" bên ngoài lãnh thổ Venezuela.
Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập kiểm soát Juan Guaidó, người từ cuối tháng 1 vừa qua đã tự phong là "tổng thống lâm thời Venezuela" với sự hậu thuẫn của Mỹ, phủ nhận việc có các cuộc đàm phán tại Oslo, nhưng thừa nhận đại diện của ông đã gặp các quan chức ngoại giao của Na Uy.
Trong một thông cáo báo chí trước đó, Quốc hội Venezuela cũng cho biết một đoàn đại biểu của Na Uy từng có mặt tại Venezuela “vài tháng trước với mục đích tìm kiếm giải pháp” cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này.
Thông tin này làm dấy lên hy vọng Chính phủ và phe đối lập Venezuela có thể đang thăm dò một cách tiếp cận mới sau khi nỗ lực đối thoại giữa hai bên đều không mang lại kết quả và cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này chưa cho thấy tín hiệu hạ nhiệt.
Tình hình chính trị xã hội Venezuela đang diễn biến hết sức căng thẳng sau khi thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido đã tự phong là “tổng thống lâm thời” của nước này. Tổng thống đương nhiệm Maduro cho rằng đây là một âm mưu đảo chính. Mỹ và một số nước phương Tây bày tỏ ủng hộ ông Guaido, đã gửi "tối hậu thư" tới Tổng thống Maduro, yêu cầu tiến hành bầu cử tổng thống trước thời hạn.
Trong khi đó, nhiều nước như Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ ủng hộ Tổng thống Maduro. Mỹ đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính nhằm vào quốc gia Nam Mỹ này để gây sức ép đối với chính quyền Tổng thống Maduro.
Ngày 30/4 vừa qua, Chính phủ Venezuela đã đập tan cuộc đảo chính do thủ lĩnh đối lập Juan Guaido phát động với sự tham gia của một nhóm nhỏ các binh sĩ phản bội trong lực lượng phòng vệ quốc gia. Chính quyền của Tổng thống Maduro cũng cáo buộc Mỹ có vai trò trong âm mưu lật đổ chính quyền hợp hiến nói trên nhằm thúc đẩy một cuộc nội chiến tại quốc gia Nam Mỹ này.