Theo giới chuyên gia, từ nay Iran có thể hành xử đối với binh lính Mỹ như đối tượng khủng bố, chứ không phải là một người lính chiến đấu.
Năm 2016, thủy thủ Mỹ đi vào hải phận Iran tại Vịnh Ba Tư và bị lực lượng IRGC bắt giữ. Sau đó, Iran đã trao trả cả tàu và người cho phía Mỹ. Các thủy thủ khẳng định phía Iran đối xử với họ bằng sự tôn trọng và thái độ đường hoàng. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra hiện nay là với đòn "ăn miếng trả miếng" liệt quân đội của nhau vào danh sách khủng bố, nếu một sự việc tương tự xảy ra như trên, liệu binh sĩ Mỹ có an toàn trở về?
“Cách tiếp cận sẽ hoàn toàn khác biệt… Binh sĩ Mỹ giờ sẽ bị coi như phần tử khủng bố và không phải là thành viên quân đội quốc gia của một nước”, Ali Rizk – phóng viên chuyên Trung Đông – lý giải với hãng tin RT.
Khủng bố là một tội danh hình sự theo quy định pháp luật của Iran. Chính vì vậy, Iran “có thể thực hiện những hành động cứng rắn nhất, bao gồm xét xử và bỏ tù”, Vladimir Sazhin – nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Phương của Nga – nhận định.
Trong diễn biến liên quan, theo tờ New York Times, một vài quan chức cấp cao quân sự và tình báo Mỹ đã lên tiếng phản đối quyết định của Nhà Trắng đối với lực lượng IRGC. Họ cho rằng bước đi này sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn của binh sĩ Mỹ ở Trung Đông.
Vào ngày 8/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo nước này đã liệt IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết quyết định này sẽ có hiệu lực trong vòng 1 tuần tới.
Ngay lập tức, Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran (SNSC) đã trả đũa, khi coi Chính phủ Mỹ là nhà tài trợ cho khủng bố và tuyên bố Bộ Chỉ huy Trung tâm của Quân đội Mỹ (CENTCOM) cũng như các lực lượng liên quan tại khu vực này là tổ chức khủng bố. Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran cũng đánh giá động thái của Mỹ vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Theo chuyên gia Sazhin, đòn trả đũa qua lại giữa hai quốc gia hiện nay được coi là cái cớ để cả hai bên đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền chống phá lẫn nhau. Đây chỉ là sự tiếp diễn của “cuộc Chiến trạnh Lạnh vốn dĩ kéo dài được 40 năm giữa Iran và Mỹ”. Bên cạnh đó, cả hai bên đều không muốn vượt quá giới hạn, vì khi đó nguy cơ bùng phát một hành động quân sự là rất cao.
Đồng tình với quan điểm trên, phóng viên chuyên các vấn đề Trung Đông Rizk dự đoán rất khó để Washington và Tehran đụng độ. Tuy nhiên, điều đó không hẳn là không thể, nếu như Tổng thống Trump để Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton “đưa ông đi vào một viễn cảnh thảm họa”.