Ít nhất 78 người đã thiệt mạng sau khi một chiếc tàu đánh cá chở quá tải người di cư bị lật và chìm ở biển Ionian ngày 14/6. Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp ngày 15/6 đã bắt giữ 9 nghi can liên quan đến vụ tai nạn. Những nghi can này nằm trong số 104 người được cứu trong thảm họa chìm tàu và đều mang quốc tịch Ai Cập.
Hiện vẫn chưa rõ chính xác số người có mặt trên tàu vào thời điểm xảy ra tai nạn và chìm ngoài khơi cách thị trấn Pylos, miền Tây Nam Hy Lạp 47 hải lý. Các nhà chức trách lo ngại rằng hàng trăm người khác - bao gồm cả phụ nữ và trẻ em - có thể đã bị mắc kẹt bên dưới boong tàu. Nếu được xác nhận, điều này sẽ khiến vụ chìm tàu hôm 15/6 trở thành một trong những thảm kịch tồi tệ nhất từng được ghi nhận ở Trung Địa Trung Hải.
Kênh DW (Đức) cho biết con tàu này đã ra khơi từ Libya và trên hải trình đến Italy khi thảm họa xảy ra. Những người may mắn được cứu sống chủ yếu là công dân Syria, Ai Cập, Pakistan.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) đưa tin Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đều cho biết họ "vô cùng đau buồn" trước thảm kịch này. Ông Michel nói rằng mục tiêu "chấm dứt hoạt động vô đạo đức của những kẻ buôn lậu" sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) trong hai tuần nữa.
Ủy viên phụ trách nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) Ylva Johansson gọi đó là "nghĩa vụ đạo đức của châu Âu trong việc phá bỏ các mạng lưới tội phạm chịu trách nhiệm", đồng thời bổ sung rằng cần đầu tư vào "các con đường hợp pháp" cho người di cư.
Thảm kịch chìm tàu xảy ra vài ngày sau khi các bộ trưởng EU đạt được thỏa thuận về cải cách quy tắc tị nạn và di cư đã quá hạn từ lâu của khối. Trong đó có cả các biện pháp chuyển tiếp người xin tị nạn bị từ chối đến các nước thứ ba "an toàn".
Các tổ chức phi lợi nhuận bao gồm Ủy ban Cứu hộ Quốc tế có trụ sở tại Mỹ đánh giá rằng tình trạng lặp lại người tị nạn thương vong cho thấy việc thiếu các con đường hợp pháp trong bối cảnh họ muốn tìm kiếm sự bảo vệ ở châu Âu.
Chuyên gia về các vấn đề di cư Yves Pascouau nhận định với AFP rằng những vụ chết đuối ngoài khơi Hy Lạp và Địa Trung Hải là "tác động của các biện pháp và hành động" do EU đưa ra kể từ năm 2015-2016, thời điểm bùng nổ làn sóng người tị nạn đến khối này, nhiều trong số này là người Syria chạy trốn nội chiến ở quê nhà.
Ông Yves Pascouau nhận định những chính sách này hướng đến “xây dựng một không gian được bảo vệ khỏi phần còn lại của thế giới” khi EU tìm cách kiểm soát biên giới ngoài khơi, trục xuất người di cư không có giấy tờ và tăng quyền hạn cũng như nguồn lực của cơ quan tuần tra biên giới Frontex của khối. Theo ông, việc "mở ra các con đường nhập cư hợp pháp là tốt, nhưng ngày nay các quốc gia không thảo luận về chủ đề đó cùng nhau”.
Ủy ban châu Âu (EC) cách đây 3 năm đã đề xuất cải cách các chính sách tị nạn, yêu cầu các quốc gia thành viên của khối chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người xin tị nạn và củng cố biên giới. EC cũng đã đưa ra các kế hoạch hành động cho ba tuyến đường di cư chính - hai tuyến đường đi qua phía Tây và trung tâm Địa Trung Hải, tuyến đường thứ ba đi qua vùng Balkan - dựa trên thỏa thuận với các quốc gia xuất phát và quá cảnh của người di cư.
Nhưng tổ chức Oxfam nhận định rằng những thỏa thuận và quy tắc đó "sẽ tiếp tục gây ra trở ngại và củng cố Pháo đài châu Âu".
Bà Stephanie Pope tại Oxfam nhận định con tàu chìm ngoài khơi Hy Lạp không phải là lần đầu tiên và cũng sẽ không phải là lần cuối cùng xảy ra một thảm kịch như vậy.
Liên hợp quốc đã ghi nhận hơn 20.000 trường hợp tử vong và mất tích ở Trung Địa Trung Hải kể từ năm 2014, khiến nơi đây trở thành tuyến đương di cư nguy hiểm nhất trên thế giới.