Diễn biến này khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo khu vực này cần chuẩn bị các phương án ứng phó với kịch bản xấu nhất. WHO đặc biệt quan ngại về dịch bệnh tại khu vực này do đây là khu vực tụt hậu so với thế giới trong hệ thống cơ sở hạ tầng y tế, nghèo đói, xung đột, kém vệ sinh, và đô thị đông đúc.
Theo WHO, tổng số ca nhiễm tại khu vực Nam Sahara là 233 ca, tuy nhiên con số này chưa phản ánh toàn cảnh dịch bệnh tại khu vực này.
Hãng tin AFP tập hợp các số liệu báo cáo cho biết tính đến hết ngày 18/3, toàn châu Phi ghi nhận tổng cộng trên 600 ca nhiễm SARS-CoV-2.
* Nigeria thông báo ngừng cấp thị thực, đồng thời hủy thị thực nhập cảnh đã cấp trước đó cho những người đến từ 13 nước có dịch lây lan mạnh, gồm Trung Quốc, Italy, Iran, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Pháp, Đức, Na Uy, Mỹ, Anh, Hà Lan và Thụy Sĩ. Quyết định này có hiệu lực trong 4 tuần, bắt đầu từ ngày 21/3.
Cũng từ ngày 21/3, Nigeria cấm các chuyến bay đến từ những nước nói trên. Tính đến nay, đất nước Tây Phi này đã ghi nhận 8 ca nhiễm SARS-CoV-2.
* Trong khi đó, Rwanda đã quyết định phong tỏa toàn bộ đường hàng không trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 20/3. Bộ Y tế nước này xác nhận đã có tổng cộng 11 ca mắc COVID-19 trên cả nước.
* Mặc dù chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào nhiễm SARS-CoV-2, Botswana đã quyết định từ ngày 23/3 đóng cửa trường học đề phòng nguy cơ bùng phát dịch. Botswana cũng đã khuyến cáo người dân hạn chế tụ tập đông người và đình chỉ mọi chuyến công tác nước ngoài của giới chức nước này.
* Tại Tunisia, Bộ Y tế nước này thông báo ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên ở nước này đã bình phục và ra viện. Hiện số người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Tunisia là 29 người. Tính đến ngày 17/3, Tunisia đã cách ly tổng cộng 7.479 người và 2.998 người đã hoàn thành cách ly.
Từ ngày 18/3, Tunisia đã áp dụng lệnh giới nghiêm trên cả nước để ngăn chặn virus lây lan.
* Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 18/3, Senegal thông báo sẽ kiểm tra y tế có hệ thống đối với mọi đối tượng từng qua các nước có dịch trong khoảng 25 ngày trước khi đến Senegal. Hiện Senegal đã đóng cửa các trường học và đại học để ngặn chặn dịch lây lan. Đến nay nước này đã ghi nhận 36 người mắc COVID-19.
* Tại Nam Phi, bất chấp khác biệt về chính trị, lần đầu tiên tất cả các chính đảng có ghế tại Quốc hội đã thống nhất nguyên tắc ứng phó dịch COVID-19 trên cơ sở coi bảo đảm sức khỏe của người dân là ưu tiên số 1.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, lãnh đạo các chính đảng nhất trí việc cung cấp nước cho cộng đồng dân cư nghèo; tập trung nhiều hơn vào phòng ngừa dịch bệnh trong hệ thống giao thông công cộng; xem xét các biện pháp khác nhau để hỗ trợ doanh nghiệp; đặc biệt tập trung vào an ninh lương thực, nhất là cho người nghèo; cho phép Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng thành lập các trung tâm thử nghiệm, phân phối nước và các dịch vụ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Tính đến cuối ngày 18/3, Nam Phi ghi nhận tổng cộng 116 ca nhiễm SARS-CoV-2.