Biểu đồ cho thấy mức tiêu thụ mì ăn liền của Trung Quốc vào năm 2016 lên đến gần 40 tỉ gói.
|
Mì ăn liền (instant noodles) là một phát minh của Nhật Bản trong những năm 50 của thế kỷ trước, lan rộng khắp châu Á, châu Âu và các châu lục khác. Mì ăn liền du nhập vào Trung Quốc trong những năm 1980 và 1990. Bát mì và gói mì được bán phổ biến ở các cửa hàng bán đồ ăn vặt và siêu thị.
Với gói nước sốt thơm ngon cùng thịt và rau khô, mì ăn liền từng là nền tảng thực phẩm tiện lợi của Trung Quốc, nhưng doanh số của mặt hàng này đã giảm đáng kể trong những năm gần đây.
Theo Tân Hoa Xã, đối với Geng Mei, một giáo viên tiếng Anh tại Bắc Kinh, xì xụp bát mì ăn liền nóng hổi là ký ức đáng nhớ của thời thơ ấu. “Ngon và rẻ, mì ăn liền rất phổ biến khi tôi còn nhỏ. Nhưng giờ tôi không thể nhớ được lần cuối cùng ăn mì là khi nào”, Geng, nay đã độ tuổi 30, chia sẻ.
Theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, năm 2013, Trung Quốc tiêu thụ 46,2 tỉ gói mì ăn liền, tức là có 1.465 gói mì được bóc trong mỗi giây. Năm 2016, con số này giảm xuống còn ,5 tỉ gói.
“Sự suy giảm của doanh số mì ăn liền cho thấy sự thay đổi trong thói quen ăn uống ở Trung Quốc. Người tiêu dùng hiện nay quan tâm đến chất lượng bữa ăn hơn là chỉ ăn no bụng”, ông Zhao Ping, Học viện của Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc, cho biết.
Cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện ở Trung Quốc cũng là nguyên nhân hành khách chuyển sang ăn các loại đồ ăn khác. Trước đây, những chuyến tàu với hành trình xuyên đất nước thường kéo dài vài ngày và hành khách chủ yếu lựa chọn ăn mì ăn liền.
“Tôi ăn mì ăn liền vào buổi sáng, buổi trưa và cả lúc nửa đêm trong suốt các chuyến tàu kéo dài 20 tiếng trước đây”, Tang Mingsheng, một công nhân làm việc thành phố Phúc Châu, miền đông Trung Quốc, nói. Nhưng kể từ năm 2013, hành trình đi tàu về quê của Mingsheng vào các dịp lễ tết chỉ còn 6 tiếng và anh không cần phải ăn mì gói lót dạ.
Sự phát triển của các ứng dụng gọi đồ ăn nhanh cũng là nguyên nhân khiến nhiều người Trung Quốc tìm tới đồ ăn khác thay vì mì ăn liền.
Ngành công nghiệp mì ăn liền đang tìm cách trở lại “thời hoàng kim” bằng cách phát triển thêm nhiều hương vị. Ngành công nghiệp này cũng đang nâng cấp các sản phẩm trong nỗ lực thay đổi nhận thức của người dân rằng mì ăn liền là một sản phẩm “cấp thấp”.
Mặc dù điều đó sẽ không xảy ra nhanh chóng như việc nấu một gói mì ăn liền, nhưng Trung Quốc hiện vẫn là thị trường mì ăn liền lớn nhất thế giới với doanh thu hằng năm bằng tổng các nước Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Mỹ, Hàn Quốc, Philippines cộng lại.