Ngày 21/1/2020, một người đàn ông 66 tuổi từ thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc đã đến khách sạn Shangri-La trên đảo Sentosa, Singapore, để nghỉ dưỡng cùng gia đình. 3 ngày sau, ông trở thành trường hợp đầu tiên tại Singapore nhiễm virus SARS-CoV-2.
Một năm sau, sau 8 tuần phong tỏa một phần và thắt chặt kiểm dịch trong các khu ký túc xá dành cho người lao động nhập cư, Singapore dường như đã kiểm soát được dịch COVID-19, dù đôi khi vẫn ghi nhận các cụm lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Chính phủ nước này đang tập trung tiêm chủng cho người dân, với cam kết sẽ chủng ngừa miễn phí cho toàn bộ 5,7 triệu dân. Hồi đầu tháng 1, Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong tuyên bố tại Quốc hội rằng: “Lúc này là thời điểm tốt nhất để tiêm chủng”.
Singapore đã nhận được lô vaccine đầu tiên từ hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech vào hôm 21/12/2020. Đến nay, quốc đảo này đã tiêm chủng cho 6.200 người, bao gồm nhân viên tuyến đầu và cả Thủ tướng Lý Hiển Long.
Bộ Y tế Singapore đang gấp rút lập 36 trung tâm tiêm chủng để chủng ngừa cho 2.000 người/ngày. Họ cũng lập 10 nhóm lưu động để có thể thực hiện tiêm chủng hàng loạt cho những người sống trong các viện dưỡng lão. Điều này có nghĩa là các nhà chức trách có thể tiêm 70.000 mũi mỗi ngày cho người dân trên khắp quốc đảo. Với tốc độ đó, nếu vaccine Pfizer cần được tiêm hai liều, Singapore sẽ có thể hoàn thành tiêm chủng cho dân số của mình trong vòng dưới 6 tháng.
Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia khác, một vấn đề mà Singapore sẽ phải đối mặt đó là người dân vẫn do dự trong tiêm chủng. Song, với gần 60.000 ca mắc và chỉ 29 ca tử vong, tính đến ngày 22/1, Singapore cần có cách giải quyết khác tinh tế hơn các quốc gia có mức độ lây nhiễm cao.
Tại Singapore, trong khi một số người cũng đang nghi ngờ về tính an toàn của vaccine, chính phủ nước này có một mối quan tâm khác. Khi Singapore đã kiểm soát tốt dịch bệnh, một số người dân sẽ không vội vàng tiêm chủng, thay vào đó họ muốn chờ xem phản ứng của vaccine.
Phần lớn các trường hợp mắc COVID-19 tại Singapore trong những tháng gần đây đều là các ca nhập cảnh. Tại địa phương, chỉ có 11 ca nhiễm virus trong tháng 11/2020, 14 trường hợp nhiễm virus trong tháng 12/2020 và 27 nhiễm virus trường hợp trong tháng 1.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy trong khi 6/10 người Singapore cho biết họ sẽ tiêm phòng, thì có 1/3 người Singapore muốn đợi thêm dữ liệu trước khi tiêm phòng.
Mặc dù tỉ lệ người muốn tiêm chủng ở Singapore nhiều hơn các quốc gia khác, nhưng theo một cuộc thăm dò của YouGov, điều này đã đặt ra một vấn đề tiềm ẩn cho kế hoạch miễn dịch cộng đồng, cần có từ 70% đến 90% người dân được tiêm chủng.
Báo cáo trên các phương tiện truyền thông địa phương cho thấy rằng sự chần chừ tiêm vaccine vẫn tồn tại cả trong các nhóm nguy cơ cao, như nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu.
Cô Joanne, y tá của một bệnh viện công tại Singapore, cho biết cô ấy không quá quan tâm đến vaccine. Một phần vì cô đang dự định mang thai, một phần cô cảm thấy mình cần có thời gian để theo dõi vaccine có hiệu quả như thế nào.
Singapore Airlines hôm 18/1 cho biết chỉ một nửa số nhân viên của họ đăng ký tiêm vaccine, khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thúc giục hãng nên trở thành hãng hàng không đầu tiên trên thế giới có tỷ lệ tiêm chủng 100%.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế đang nỗ lực để gây ấn tượng với người dân về lợi ích của việc tiêm chủng. Tại Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong kêu gọi người dân không nên đợi đại dịch bùng phát mới đi tiêm phòng.
Tuy nhiên, các chuyên gia thừa nhận rằng một lý do khiến nhiều người vẫn còn do dự không muốn tiêm vaccine là do những lợi ích hữu hình của vaccine trong đời sống cá nhân của mọi người chưa được thể hiện rõ ràng.
Tiến sĩ Jeremy Lim, Phó Giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, cho biết các nhà chức trách đã đúng khi không bắt buộc mọi người đi tiêm chủng. Tốt hơn hết, giới chức nên “làm gương” và những cá nhân và chuyên gia đáng tin cậy như bác sĩ nên tiêm phòng trước.
Việc Singapore không có phong trào chống tiêm chủng có tổ chức cũng là một lợi thế với quốc gia này. Song, điều đó có nghĩa là mọi người có thể được thuyết phục thông qua giáo dục.
Bà Serene Koh, cố vấn chính của Behavioral Insights Team, một tổ chức của Vương quốc Anh sử dụng khoa học hành vi để giải quyết các vấn đề về chính sách, cho biết có 3 có thể khuyến khích người dân tiêm vaccine.
Đầu tiên là thông qua khả năng quan sát. Thứ hai, cần phải tạo điều kiện dễ dàng cho việc tiêm phòng, chẳng hạn tận dụng các buổi khám cuối tuần, buổi tối hay phòng khám không cần hẹn trước. Thứ ba, mọi người cần được nhắc nhở tiêm phòng. Nghiên cứu chỉ ra rằng từ 30 đến 60% người dân nói rằng họ sẽ đi tiêm chủng, nhưng không thể tiêm phòng đầy đủ. Để giải quyết vấn đề này, bà Koh đề nghị các nhà chức trách nên nhắc nhở mọi người đi tiêm phòng và theo dõi những người trễ hẹn.