Nhằm làm chậm lại tiến trình già hóa, các nước hiện chú trọng vào các biện pháp tăng tỷ lệ sinh – vốn được coi là nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng già hóa nhanh chóng hiện nay. Tại Hàn Quốc, nhiều phụ nữ nước này quyết định trì hoãn việc sinh con hoặc quyết định không sinh con vì những lo ngại về công việc và vấn đề tài chính khi nuôi dạy con cái. Chính phủ đã đề xuất nới lỏng tiêu chuẩn hưởng ưu đãi với gia đình đông con, áp dụng cho gia đình có 2 con trở lên, thay vì chỉ 3 con trở lên như trước đây. Những hộ gia đình này sẽ được xem xét nhiều ưu đãi và hỗ trợ như mua nhà, xe, dịch vụ giáo dục, bảo hiểm thai nhi và sản phụ.
Hay như ở Nhật Bản, tháng 2 vừa qua, Nội các nước này đã thông qua dự luật tăng trợ cấp hằng tháng cho trẻ em đến 18 tuổi, đồng thời hủy bỏ quy định về mức thu nhập đối với các hộ gia đình để được nhận trợ cấp. Khoản trợ cấp cho trẻ em là con thứ ba trở lên sẽ tăng gấp đôi so với trước, lên 30.000 Yen/tháng. Từ tháng 10 tới năm nay, thiếu niên từ 16-18 tuổi sẽ được nhận trợ cấp 10.000 Yen/tháng. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng tăng trợ cấp cho bố, mẹ đơn thân có từ 3 con trở lên mà thu nhập thấp. Thái Lan thì đưa vấn đề giải quyết tỷ lệ sinh giảm thành ưu tiên trong chương trình nghị sự quốc gia, kết hợp với tăng cường chất lượng nguồn nhân lực hiện có thông qua đầu tư vào giáo dục, đào tạo, y tế…
Bên cạnh đó, để thích ứng với xã hội ngày càng nhiều người cao tuổi, các quốc gia đang tìm lời giải nhằm bù đắp những thiếu hụt trong lực lượng lao động do dân số già hóa. Người cao tuổi ngày càng được khuyến khích tiếp tục làm việc, giúp họ không bị phụ thuộc, tự nuôi sống bản thân, thậm chí đóng góp thêm cho xã hội và cho nền kinh tế. Nhật Bản từ năm 2018 đã đưa ra hướng dẫn khuyến khích người cao tuổi tiếp tục tham gia lực lượng lao động, thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu trong một số ngành. Tại Hàn Quốc, năm ngoái, số lượng nhân viên từ 60 tuổi trở lên lần đầu tiên cao hơn những người từ 15 đến 20 tuổi trong ngành sản xuất - vốn được coi là ngành đòi hỏi lao động chân tay nên người trẻ tuổi được đánh giá có nhiều năng lực hơn.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng biện pháp này chỉ mang tính tức thời, nhưng không giải quyết được về lâu dài vì năng suất lao động không cao, đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số khi người lao động buộc phải có kỹ năng công nghệ - điều mà người cao tuổi có ít trải nghiệm và chuyên môn. Mới đây, Chính phủ Thái Lan đã công bố kế hoạch nâng cao kiến thức số cho người cao tuổi trong cả nước, nhằm giúp họ thích nghi và phát triển tốt hơn trong thời đại số, cùng với tránh việc trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo trên mạng. Bộ Phát triển Xã hội và An ninh con người Thái Lan dự định sẽ kết hợp cùng một số tổ chức, trường đại học tổ chức các khóa học về công nghệ dành cho người cao tuổi tại gần 2.460 trường học trên cả nước.
Trong “nền kinh tế tóc bạc”, người cao tuổi không chỉ là lực lượng lao động mà cũng là đối tượng thụ hưởng, tiêu dùng được quan tâm, tạo động lực thúc đẩy nhanh chóng phát triển các sản phẩm dịch vụ dành riêng cho nhóm người này. Tháng 1 vừa qua, Quốc vụ viện Trung Quốc đã lần đầu tiên ban hành quy chế hướng dẫn cụ thể, khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tích cực cung cấp các mặt hàng và mô hình chăm sóc y tế, hỗ trợ người già và cải thiện hệ thống viện dưỡng lão. Nhiều công ty ở nước này vốn chuyên các sản phẩm dành cho trẻ em, nay đã ra mắt nhiều loại sữa và thực phẩm dinh dưỡng dành cho người già. Các nhãn hàng hóa mỹ phẩm cũng lần lượt tung ra thị trường các loại dầu thơm, mặt nạ, kem dưỡng da dành cho những người trên 60 tuổi. Các công ty công nghệ như Xiaomi và Philips đã giới thiệu các loại robot và thiết bị di động có chức năng theo dõi huyết áp và tự động gọi cấp cứu. Các dịch vụ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lớn tuổi đang nở rộ tại Trung Quốc để phục vụ nhóm khách hàng có tiền tiết kiệm và muốn tận hưởng cuộc sống. Ngày càng có nhiều khóa học và hoạt động giải trí dành cho tầng lớp trung lưu cao tuổi ra đời. Các lớp học yoga, ngoại ngữ, nhạc cụ hay rèn trí nhớ và chụp ảnh bằng điện thoại thông minh được nhiều cụ ông, cụ bà ưa chuộng. Các tour du lịch kết hợp tìm hiểu văn hóa, chữa bệnh và an dưỡng cho người già cũng đang trở thành một xu hướng và có tiềm năng rất lớn trong tương lai.
Thái Lan xác định việc dân số già đi mang lại cơ hội sinh lợi cho các doanh nghiệp nước này trong việc điều chỉnh các sản phẩm và dịch vụ dành riêng cho người cao tuổi. Bộ Thương mại Thái Lan cho biết trong 3 năm qua, nước này đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các cơ sở phục vụ những yếu tố cơ bản hỗ trợ cuộc sống của người cao tuổi, tập trung giải quyết 3 nhóm nhu cầu cho người cao tuổi. Thứ nhất là nhu cầu sinh hoạt cơ bản, nhắm mục tiêu vào thực phẩm, nhà ở, nội thất mềm và thuốc men cần thiết cho cuộc sống khỏe mạnh. Thứ hai là nhu cầu ổn định và an ninh, trong đó tập trung vào an ninh tài chính, bao gồm các kênh tích lũy vốn và chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp. Thứ ba là nhu cầu sức khỏe thể chất và tinh thần giải quyết vấn đề tiếp cận các hệ thống chăm sóc sức khỏe cần thiết và các hoạt động thúc đẩy sức mạnh thể chất và tinh thần. Với nền tảng là các chính sách hỗ trợ người cao tuổi của chính phủ, các doanh nghiệp Thái Lan cũng đang từng bước tự thích ứng để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội già hóa, đảm bảo sự kết nối lâu dài và tăng trưởng liên tục.
Châu Á, cũng như các châu lục khác, đang ngày một già đi; đồng thời cũng có nhận thức chính xác hơn về những động lực từ xã hội già hóa, biết cách phát huy những động lực đó để vượt qua áp lực. Cùng với những tiến bộ về khoa học công nghệ, người cao tuổi hoàn toàn có thể sống khỏe, vui, có ích, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của toàn xã hội khi các nước chủ động thích ứng với thời kỳ già hóa dân số, chủ động đón đầu cơ hội của "làn sóng bạc".