Ngày 30/11, hãng BBC cho biết chủ sở hữu hàng loạt thương hiệu thời trang cao cấp gồm Topshop, Topman, Dorothy Perkins, Burton, Miss Selfridge, Evans và Wallis sẽ nộp đơn xin phá sản "trong vài giờ" tới, động thái có thể đe dọa khoảng 13.000 việc làm. Thất bại này sẽ là đòn giáng mạnh vào ông chủ Arcadia Philip Green, vốn danh tiếng đã tổn hại sau sụp đổ của chuỗi cửa hàng bán lẻ BHS cách đây 4 năm.
Nguy cơ phá sản đeo bám Arcadia bất chấp việc tập đoàn Frasers của tỷ phú Mike Ashley cùng ngày xác nhận đã đề nghị cấp khoản vay 50 triệu bảng Anh (67 triệu USD) cho Arcadia và đang chờ hồi đáp. Tuyên bố của Frasers cũng cho biết sẽ tham gia quá trình mua bán nếu công ty này và Arcadia không đạt được một gói hỗ trợ khẩn cấp và Arcadia phải nộp đơn xin phá sản.
Cuối tuần trước, Arcadia đã thừa nhận rằng đại dịch COVID-19 đã gây "tác động lớn" đến hoạt động kinh doanh của công ty do các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa trong thời gian lệnh phong tỏa được áp đặt. Tập đoàn cũng đang nỗ lực triển khai "một số phương án dự phòng" để bảo toàn những thương hiệu sở hữu.
Năm 2010, trong bối cảnh những thương hiệu bán lẻ hàng đầu đều phải liên tục thay đổi để đáp ứng thị hiếu không ngừng tăng của khách hàng cũng như chật vật cạnh tranh với sự tham gia của những tên tuổi mới tiềm năng như Zara, Aldi, BHS bắt đầu đi lệch khỏi quỹ đạo khi không thể theo kịp tốc độ phát triển của thời trang. Đến đầu năm 2015, "ông trùm" bán lẻ Philip Green rốt cuộc đã buộc phải “phủi tay” đối với BHS. Ông bán lại BHS với giá chỉ…1 bảng Anh cho ông Dominic Chappell, một nhà đầu tư đã 3 lần bị phá sản. Một năm sau, BHS sụp đổ, khiến 11.000 lao động mất việc làm và để lại khoản nợ lương hưu khổng lồ.