Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, trong một thông điệp được lan tỏa trên các phương tiện truyền thông Cuba, Chủ tịch Díaz-Canel nêu bật tầm quan trọng của tổ chức khu vực CELAC như “một cơ chế hội nhập thiết yếu” mà các quốc gia thành viên có “nhiệm vụ và cơ hội để hồi sinh”.
“Chúng tôi hy vọng rằng sự thống nhất trong đa dạng, một nguyên tắc chính mà chúng tôi chia sẻ, cho phép chúng ta hành động như một gia đình vững chắc trong khu vực để thúc đẩy và đưa châu Mỹ Latinh và Caribe tham gia thảo luận về chương trình nghị sự toàn cầu”, ông Díaz-Canel nhấn mạnh trong thông điệp của mình.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez Parrilla cho biết Chủ tịch Díaz-Canel có kế hoạch gặp gỡ đại diện chính quyền địa phương và các nhóm đoàn kết với La Habana trong thời gian ở Argentina “nhằm tiếp tục củng cố mối quan hệ truyền thống anh em, đoàn kết và hợp tác”.
CELAC được thành lập từ năm 2010 theo ý tưởng của cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez với sự tham gia của tất cả các nước châu Mỹ, trừ Mỹ và Canada. Mục tiêu của cơ chế liên chính phủ này là thúc đẩy hội nhập khu vực, tạo ra sự cân bằng giữa đoàn kết và khác biệt về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của 33 quốc gia Mỹ Latinh và Caribe.
Điểm đáng chú ý của Hội nghị Thượng đỉnh lần này là sự trở lại của Brazil, quốc gia rời tổ chức năm 2020. Một trong những chủ đề sẽ được đại diện của 33 quốc gia trong khối tập trung thảo luận là mối quan hệ giữa CELAC và Nga.