Logo CIA in trong trụ sở Cơ quan Tình báo trung ương ở Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP
|
Vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal đang tiếp tục tạo nên những làn sóng dư luận trong cộng đồng quốc tế. Thể hiện sự đoàn kết với Anh, nhiều nước châu Âu cùng với Mỹ đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga để phản ứng vấn đề này.
Bộ Ngoại giao Nga đã có những phản ứng với tuyên bố rằng “các nước đồng minh của Anh đang bị mù quáng tuân theo nguyên tắc đoàn kết châu Âu – Đại Tây Dương bất chấp thông lệ chung, quy tắc đối thoại giữa các quốc gia văn minh và các quy định của luật pháp quốc tế".
Theo Thủ tướng Anh Theresa May, các nước hành động như vậy bởi Nga phải chịu trách nhiệm về vụ đầu độc. Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, Chủ tịch đảng Tự do Ba Lan Janusz Korwin-Mikke đã có những nhận định trái ngược.
Trước hết, ông Janusz Korwin-Mikke cho rằng phản ứng của phương Tây trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Thứ hai, chính trị gia này khẳng định cần phải có bằng chứng để kết luận lỗi cho một ai đó - cá nhân, tổ chức hay quốc gia - có liên quan.
Ông bày tỏ sự tán thành với tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi cho rằng Anh, các nước phương Tây hoặc là phải đưa ra bằng chứng hoặc phải xin lỗi Nga, đồng thời cho rằng các cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hoá học chỉ có thể được coi là một vở hài kịch.
Đáng chú ý, ông Janusz Korwin-Mikke có nhận định khác biệt về vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal. Ông viện dẫn việc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đưa ra dữ liệu sai lệch về vũ khí của Iraq để tiến hành chiến tranh xâm lược nước này và cho rằng chính CIA là người quan tâm đến việc hướng dư luận Mỹ và thế giới chống Nga.
Chính vì vậy, cá nhân ông Janusz Korwin-Mikke cho rằng rất có thể CIA đứng đằng sau vụ đầu độc ông Skripal, nhấn mạnh Nga không hề có lợi ích khi tiến hành vụ đầu độc này. Ông cũng nhắc lại cách thức giống nhau CIA đã sử dụng để đổ lỗi cho Nga giống như trường hợp cựu điệp viên Litvinenko trước đây.
Về việc Ba Lan đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga và các quan chức ngoại giao Ba Lan có phản ứng gay gắt với phía Nga, ông cho rằng chính quyền Ba Lan hiện nay đang giữ một lập trường hoàn toàn chống lại Nga. Ông khẳng định mình là một chính trị gia không có định kiến đối với Nga và nhấn mạnh Nga là đồng minh tự nhiên của Ba Lan chứ không phải là kẻ thù.
Trước đó, 23 nước phương Tây, trong đó có Ba Lan, đã trục xuất 120 nhà ngoại giao Nga theo lời kêu gọi của Thủ tướng Anh Theresa May liên quan tới việc cựu điệp viên Skripal và con gái bị đầu độc chất độc thần kinh tại Anh hôm 4/3. Phía Nga cũng có những động thái đáp trả cứng rắn khi yêu cầu con số tương tự nhân viên ngoại giao của các nước này không được hoan nghênh và phải rời khỏi Nga.